ĐƠN VỊ KÝ HỢP ĐỒNG O&M ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC PHẢI THANH TOÁN GIÁ TRỊ NỘP NGÂN SÁCH NGAY TRONG NĂM ĐẦU TIÊN SAU KHI KÝ HỢP ĐỒNG

ĐƠN VỊ KÝ HỢP ĐỒNG O&M ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC PHẢI THANH TOÁN GIÁ TRỊ NỘP NGÂN SÁCH NGAY TRONG NĂM ĐẦU TIÊN SAU KHI KÝ HỢP ĐỒNG

2024-01-26 18:45:36 994

Ngày 31/12/2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BGTVT (“Thông tư 55”) về hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là “PPP”), loại hợp đồng kinh doanh – quản lý đường bộ cao tốc (sau đây gọi tắt là “Dự án O&M đường bộ cao tốc”) trong phạm vi cả nước. Dưới đây là một số nội dung nổi bật của Thông tư 55.

1. Các nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án

Bên cạnh các nội dung liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội; chỉ số đánh giá chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp dự án cung cấp như đã quy định tại Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Thông tư 55 đưa một số chỉ tiêu về tài chính và bổ sung thêm vào phần phương án tài chính dự án O&M. Cụ thể, trong phương án tài chính dự án O&M thể hiện ở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi phải có những nội dung sau:

(i) Tổng mức đầu tư dự án;

(ii) Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư;

(iii) Chi phí trong thời gian vận hành của dự án;

(iv) Phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư;

(v) Chi phí trong suốt vòng đời dự án bao gồm tổng mức đầu tư dự án và chi phí trong thời gian vận hành của dự án;

(vi) Giá trị tối thiểu nộp ngân sách nhà nước;

(vii) Thời gian thực hiện dự án.

Đặc biệt, Thông tư 55 hướng dẫn chi tiết nguyên tắc xác định khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải đề xuất mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

+ Mức lợi nhuận tối thiểu không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi có thời hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức của ít nhất 03 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, được xác định tại thời điểm gần nhất trong vòng 03 tháng trước thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi;

+ Mức lợi nhuận tối đa bằng mức lợi nhuận tối thiểu ở trên cộng tỷ lệ lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát được xác định trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình trong 10 năm gần nhất theo công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong đó xem xét loại trừ các năm có CPI biến động lớn.

2. Hướng dẫn mẫu loại Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc

a. Nguyên tắc áp dụng

  • Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc ký kết giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện theo mẫu hợp đồng quy định tại Phụ lục IV Thông tư 55.
  • Trong quá trình đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, các bên có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng đảm bảo không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu theo quy định và không trái với quy định của hồ sơ mời thầu và các quy định pháp luật có liên quan.

b. Các nội dung bắt buộc trong Hợp đồng O&M đường bộ cao tốc

(i) Văn bản thỏa thuận của các bên về hợp đồng, bao gồm: căn cứ pháp lý ký kết hợp đồng dự án; thông tin chung về các bên ký kết hợp đồng dự án (cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án); hồ sơ hợp đồng và thứ tự ưu tiên pháp lý; thời hạn hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

(ii) Điều kiện chung của hợp đồng: bao gồm các điều khoản cơ bản của Hợp đồng, điều chỉnh hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành dự án và các quyền, nghĩa vụ của các bên  ký kết hợp đồng (cơ quan nhà nước thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án).

(iii) Điều kiện cụ thể của hợp đồng: bao gồm các nội dung cụ thể làm rõ các vấn đề mang tính đặc thù, áp dụng riêng cho dự án, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án. Các điều kiện cụ thể này có thể nằm đan xen cùng trong một điều khoản với các điều kiện chung của hợp đồng.

(iv) Phụ lục hợp đồng: là một bộ phận cấu thành của hợp đồng dự án. Trường hợp cần thiết, hợp đồng có thể có phụ lục hợp đồng kèm theo để quy định chi tiết một số nội dung của hợp đồng như: bảo hiểm, thông tin về doanh nghiệp dự án, phương án tài chính, danh sách các văn bản chấp thuận phê duyệt, bảo đảm thực hiện hợp đồng và các bảo đảm khác, chức năng của cơ quan được ủy quyền, yêu cầu kỹ thuật về thiết kế, yêu cầu về kỹ thuật thi công, yêu cầu về vận hành, bảo trì, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, ...

3. Thời hạn thanh toán giá trị nộp ngân sách tối thiểu

Tại Phụ lục III Thông tư 55 hướng dẫn về tiêu chuẩn đánh giá về tài chính – thương mại để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án O&M đường bộ cao tốc, tiêu chuẩn lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước (giá trị nộp ngân sách nhà nước cao nhất) chính là tiêu chuẩn đầu tiên và là cơ sở trọng yếu để nhà đầu tư đó được đề nghị trúng thầu.

Do vậy, Thông tư 55 yêu cầu trong hợp đồng O&M phải quy định rõ giá trị và thời hạn để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thanh toán giá trị nộp ngân sách nhà nước theo nguyên tắc như sau:

(i) Trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước dưới 1000 tỷ đồng: Thanh toán tối đa 02 lần:

+ Lần 01: Thanh toán tối thiểu bằng 50% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 01 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực;

+ Lần 02: Thanh toán toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước còn lại trong vòng 03 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

(ii) Trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 1000 tỷ: Thanh toán tối đa 03 lần:

+ Lần 01: Thanh toán tối thiểu bằng 40% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 02 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực;

+ Lần 02: Thanh toán tối thiểu bằng 30% giá trị nộp ngân sách nhà nước trong vòng 04 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực;

+ Lần 03: Thanh toán toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước còn lại trong vòng 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Trường hợp chậm thanh toán giá trị nộp ngân sách nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ bị phạt tiền chậm thanh toán với mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm thanh toán. Đồng thời, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được coi là vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại hợp đồng và sẽ bị xem xét chấm dứt hợp đồng trước hạn khi không thanh toán đủ toàn bộ giá trị nộp ngân sách nhà nước trong 03 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước dưới 1.000 tỷ hoặc trong 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực trong trường hợp giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ.

Thông tư 55 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi