DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP VÀ DỰ ÁN DU LỊCH SINH THÁI LÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG TỰ NHIÊN SANG MỤC ĐÍCH KHÁC

DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP VÀ DỰ ÁN DU LỊCH SINH THÁI LÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG TỰ NHIÊN SANG MỤC ĐÍCH KHÁC

2024-07-26 21:09:14 326

Ngày 18/07/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2024/NĐ-CP (“Nghị định 91”) sửa đổi Nghị định 156/07/2024 (“Nghị định 156”) hướng dẫn Luật Lâm nghiệp 2017. Những thay đổi và bổ sung trong Nghị định 91 giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 91:

1. Dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc đối tượng được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác

Trước đây, Luật Lâm nghiệp năm 2017 hạn chế hoạt động “chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác”. Theo đó, chỉ có những dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc dự án cấp thiết do Chính phủ phê duyệt mới được thực hiện việc này.

Chỉ đến khi Luật Đất đai năm 2024 ra đời, các nhà làm luật đã mở rộng phạm vi các dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo các tiêu chí do Chính phủ quy định.

Theo đó, Nghị định 91 đã bổ sung các đối tượng dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, gồm:

  1. Dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về Đầu tư, Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
  2. Dự án phục vụ quốc phòng, an ninh.
  3. Dự án cấp thiết khác:
  • Dự án khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; dự án đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; dự án cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
  • Dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (dự án về giao thông, thủy lợi; dự án hồ nước ngọt, dự án xử lý rác thải trên các đảo); dự án nguồn điện, dự án lưới điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; dự án tôn tạo di tích cách mạng, dự án tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án thăm dò, khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép theo quy định của pháp luật khoáng sản; dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
  • Các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
  • Các dự án quy định tại điểm b và điểm c ở trên không chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản.
  • Các trường hợp khác không thuộc tiêu chí quy định tại điểm a, điểm b và điểm c ở trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

2. Quản chặt chẽ việc lập đề án và xây dựng công trình phục vụ dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng

So với quy định cũ tại Nghị định 156 thì Nghị định 91 quy định chặt chẽ và chi tiết hơn trong vấn đề lập đề án và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong rừng (đặc dụng hoặc phòng hộ). Đặc biệt, đối với các Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, Nghị định 91 quy định rõ từng loại công trình được phép xây dựng phù hợp với môi trường, hiện trạng của rừng.

Bên cạnh đó, các công trình này khi xây dựng và sử dụng còn phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể như sau:

  1. Không ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường;
  2. Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất;
  3. Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa;
  4. Chủ dự án chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng.

Việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của Nghị định 91.

Nghị định 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/07/2024 và thay thế Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi