Ngày 10/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn điện lực Việt Nam- EVN (“Nghị định 02”); trong đó, bao gồm cả công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác thuộc đối tượng mà chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật (“Công trình điện khu đô thị”).
Dưới đây, ATA sẽ tổng hợp những quy định liên quan đến điều kiện, quy trình, thủ tục bàn giao Công trình điện khu đô thị cho EVN mà các chủ đầu tư/ đơn vị quản lý, vận hành cần lưu ý:
1. Điều kiện công trình được chuyển giao
Công trình điện được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm:
+ Phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh;
+ Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;
+ Công trình điện đang vận hành bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;
+ Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.
2. Nguyên tắc chuyển giao:
+ Phải đáp ứng đủ các điều kiện chuyển giao. Trong trường hợp, công trình điện chưa đáp ứng điều kiện, chủ đầu tư/đơn vị quản lý, vận hành khu đô thị/khu dân cư/dự án khác có trách nhiệm tiếp tục quản lý, sử dụng, xử lý theo quy định.
+ Không thực hiện hoàn trả vốn đối với Công trình điện. Bên giao ghi giảm tài sản và EVN ghi tăng tài sản theo giá trị công trình điện tại thời điểm chuyển giao.
3. Trình tự, thủ tục chuyển giao Công trình điện
Bước 1: Bên giao Công trình điện lập hồ sơ đề nghị bàn giao Công trình điện cho Nhà nước đến Cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật gồm văn bản đề nghị chuyển giao kèm theo các hồ sơ dưới đây:
+ Các hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình;
+ Văn bản phê duyệt quyết toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Hồ sơ đất đai liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất gắn với công trình và các giấy tờ khác có liên quan;
+ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); phương án chữa cháy, phương án phòng cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Bước 2: Cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật có văn bản về việc chuyển giao Công trình điện gửi Bên nhận – trong 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao.
Bước 3: Bên nhận Công trình điện và Cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật thực hiện kiểm tra trực trạng công trình điện, đánh giá việc đáp ứng điều kiện chuyển giao – trong vòng 30 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao. Nếu đủ điều kiện, chuyển bước 3; nếu không đủ điều kiện, bên nhận thông báo rõ cho bên đề nghị.
Bước 4: Bên giao và bên nhận phối hợp kiểm kê, xác định giá trị công trình chuyển giao.
Bước 5: Thủ trưởng cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong dự án ban hành Quyết định chuyển giao công trình điện ban hành Quyết định chuyển giao công trình điện – trong 07 ngày từ ngày hoàn thành việc kiểm kê.
Bước 6: Bên giao chủ trì, phối hợp với Bên nhận, cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong dự án tổ chức bàn giao, tiếp nhận công trình điện - trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có Quyết định chuyển giao.
Nghị định 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2024./.
Bình luận: