Ngày 27/6/2024 Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 (sau đây gọi tắt là “Luật Đấu giá 2024”). Những sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu giá tài sản nhằm tháo gỡ một số khó khăn về xác định loại tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản nhằm từng bước tạo ra sự đồng bộ, phù hợp của hoạt động đấu giá trong giai đoạn hiện nay.
Luật Đấu giá 2024 sửa đổi, bổ sung 43 điều, bổ sung 2 điều mới, bãi bỏ 2 điều và một số điểm, khoản của Luật cũ, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Sửa đổi bổ sung, bãi bỏ các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá
Luật Đấu giá 2024 sửa đổi Điều 2.1 sửa đổi, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá, trong đó có những đối tượng hoàn toàn mới gồm:
- Bổ sung tài sản đấu giá là quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”,
- Mở rộng đối tượng đấu giá đối với tài sản là rừng: Quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng (quy định cũ: quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng);
Bên cạnh đó, Luật đấu giá sửa đổi đã bỏ 2 lọai tài sản khỏi danh mục tài sản phải đấu giá là: “Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước” và “quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ”.
2. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá
Luật đấu giá 2024, Điều 9.1 bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá gồm:
- Lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá;
- Giả mạo hồ sơ hoặc cố ý cung cấp thông tin làm sai lệch hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản;
- Sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác;
- Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, kết quả đấu giá tài sản;…
3. Bổ sung về trình tự, thủ tục đấu giá
a. Bổ sung quy định về đấu giá trực tuyến:
Việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí thuê trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản.
Kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá.
b. Bổ sung quy định làm rõ giá trị tiền đặt trước của người tham gia đấu giá:
Theo đó, mức giá trị sẽ phụ thuộc vào từng loại tài sản đấu giá, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ một số trường hợp sau đây:
- Đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
- Đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm;
- Đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm;
- Đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê;
- Đấu giá quyền sử dụng tần số điện thì tiền đặt trước được xác định như sau:
- Trường hợp trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của khối băng tần đấu giá;
- Trả giá, chấp nhận giá theo hai giai đoạn gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá và giai đoạn xác định vị trí khối băng tần trúng đấu giá thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của Một khối băng tần x Số lượng khối băng tần đăng ký mua;
- Trường hợp trả giá theo số lượng các khối băng tần đăng ký mua và được thay đổi khối băng tần trả giá tại các vòng đấu giá thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của Khối băng tần có giá khởi điểm cao nhất trong số các khối băng tần đưa ra đấu giá x Số lượng khối băng tần đăng ký mua.
c. Xác định rõ ràng địa điểm tổ chức đấu giá:
Theo Luật cũ, địa điểm tổ chức phiên đấu giá theo thoả thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản. Luật Đấu giá 2024 xác định rõ địa điểm được sử dụng để tổ chức phiên đấu giá như sau:
- Trường hợp tài sản là động sản: địa điểm đấu giá là trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc nơi có tài sản đấu giá
- Trường hợp tài sản đấu giá là bất động sản thì địa điểm đấu giá được xác định như sau:
- Trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá;
- Trường hợp bất động sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau thì người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn địa điểm tại một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản, trụ sở của người có tài sản đấu giá hoặc trụ sở của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Luật Đấu giá 2024 cũng dự liệu trường hợp địa điểm tổ chức phiên đấu giá không đáp ứng được điều kiện thì người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm tổ chức phiên đấu giá nhưng trong phạm vi địa phương nơi đã thông báo công khai và phải thông báo bằng văn bản cho người tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày trước ngày mở phiên đấu giá
d. Sửa đổi, bổ sung quy định về đấu giá không thành
- Luật Đấu giá 2024 quy định thêm trường hợp đấu giá được xác định là không thành công khi: Tất cả những người đăng ký đấu giá hợp lệ không tham gia;
- Bên cạnh đó, Luật Đấu giá 2024 sửa đổi chi tiết trường hợp đấu giá được xác định là không thành công khi: Hết thời hạn đăng ký mà có nhiều người đăng ký nhưng chỉ có một người tham dự phiên đấu giá hoặc chỉ có 1 người trả giá hoặc nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá hợp lệ.
4. Tất cả tranh chấp phát sinh liên quan đến đấu giá sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn
Luật Đấu giá 2024 bổ sung một nguyên tắc quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả đấu giá tài sản. Theo đó, tất cả các tranh chấp sẽ được thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật về tố tụng dân sự.
Luật Đấu giá 2024 tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề được đánh giá là mang tính cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vương mắc về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất của hoạt động đấu giá trong giai đoạn hiện nay.
Luật Đấu giá 2024 có hiệu lực vào ngày 01/01/2025. Những trường hợp đã ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá trước ngày Luật Đấu giá 2024 có hiệu lực sẽ vẫn được áp dụng theo các quy định tại Luật hiện hành.
Bình luận: