LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023 - KHI THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU CÓ THỂ THAY THẾ HOÀN TOÀN VĂN BẢN

LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023 - KHI THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU CÓ THỂ THAY THẾ HOÀN TOÀN VĂN BẢN

2023-08-31 21:31:37 1911

Để xem bản pdf, mời Quý vị truy cập vào đây: Luật Giao dịch điện tử năm 2023 - Khi thông điệp dữ liệu có thể thay thế hoàn toàn văn bản

LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023 - KHI THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU CÓ THỂ THAY THẾ HOÀN TOÀN VĂN BẢN

Ngày 22/06/2023, Quốc Hội thông qua Luật Giao dịch điện tử 2023 (“Luật GDĐT 2023”) gồm 7 chương và 54 điều. Mục tiêu đầu tiên và cao nhất của Luật là hướng tới thông điện dữ liệu điện tử có thể thay thế cho văn bản giấy, giảm tải giấy tờ, thủ tục, chi phí. Luật Giao dịch điện tử 2005 (“Luật GDĐT 2005”) đã ra đời cách đây 18 năm, được xây dựng theo hình thức luật khung, nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc, chung chung. Nhiều khái niệm, công cụ công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi hoặc những khái niệm cũ đã thay đổi cùng với sự phát triển của cộng nghệ như “dấu thời gian”, “chứng thực chữ ký điện tử”, “hợp đồng điện tử”, v.v. chưa được cập nhật. Nhiều vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý của văn bản điện tử, dữ liệu điện tử trong giao dịch, giao kết hợp đồng, trong các hoạt động công chứng, chứng thực, nhiều dịch vụ tin cậy ra đời cùng sự phát triển của giao dịch điện tử chưa được quy định chi tiết hoặc ghi nhận. Giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước đã phát triển mạnh mẽ (dịch vụ công trực tuyến, gửi nhận văn bản điện tử, trao đổi dữ liệu, v.v.) nhưng chủ yếu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới Luật và cần phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế phát triển. Thực tế thủ tục hành chính điện tử chưa được toàn trình, nhiều thủ tục được thực hiện trực tuyến nhưng kết quả lại là văn bản, chứng nhận giấy, được gửi và lưu trữ một cách truyển thống khiến sự thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục công trực tuyến không đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu của người dân.

Luật mới đã phần nào khắc phục, bổ sung rất nhiều quy định nội dung hướng tới mục tiêu thông điệp/dữ liệu điện tử sẽ thay thế hoàn toàn cho văn bản, giấy tờ cồng kềnh. Bên cạnh đó, những sửa đổi, bổ sung được đưa ra tại đây sẽ là tiền đề để những quy định hướng dẫn chi tiết liên quan được ban hành trong tương lai gần, tạo nên khung pháp lý phù hợp, hiệu quả cho sự phát triển của nền kinh tế số.

ATA Legal Services sẽ tổng hợp những điểm mới trọng yếu của Luật GDĐT 2023 trên cơ sở có so sánh với các quy định tại Luật GDĐT 2005, đồng thời đưa ra đánh giá về tác động, sự tiến bộ và hạn chế của những quy định này đối với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam.

1. Điều kiện để thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Luật GDĐT 2023 kế thừa quy định từ Luật GDĐT 2005, công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tương đương với văn bản. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thỏa mãn 02 điều kiện sau:

  1. Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập;
  2. Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể sử dụng được để tham chiếu.

Như vậy, một số loại hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản như Hợp đồng lao động, Hợp đồng xây dựng, Hợp đồng tín dụng, v.v. có thể được lập dưới dạng hợp đồng điện tử nếu thỏa mãn 02 điều kiện kể trên.

Luật GDĐT 2005 không quy định các văn bản, hợp đồng dưới thể hiện bằng thông điệp điện tử được công chứng trong trường hợp văn bản, hợp đồng đó bắt buộc phải được công chứng. Theo đó, các hợp đồng, văn bản bắt buộc phải công chứng như Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài[1], Hợp đồng mua bán nhà ở, Hợp đồng thế chấp nhà ở[2], Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất[3], v.v. mà ở dưới dạng điện tử thì chưa có căn cứ pháp lý để có thể được công chứng.

Luật GDĐT 2023 bổ sung quy định công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tương đương với văn bản trong trường hợp luật nội dung tương ứng yêu cầu văn bản được chứng thực hoặc được công chứng. Theo quy định này, các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực có yêu cầu chặt chẽ hơn về thực hiện giao dịch đòi hỏi phải có công chứng, chứng thực như lĩnh vực thừa kế, nhà ở, đất đai, v.v. đã được chính thức công nhận.

Hiện nay, đã có Nghị định 45/2020/NĐ-CP thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có quy định về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tuy nhiên, Luật Công chứng 2014 không đề cập tới việc công chứng dữ liệu điện tử. Có thể hiểu quy định của Luật GDĐT 2023 về công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu là tiền đề cho việc bổ sung các quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến công chứng, chứng thực văn bản được thể hiện bằng thông điệp dữ liệu.

2. Điều kiện để thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản gốc

Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 30/2020, “Bản gốc văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.

Thông điệp dữ liệu được sử dụng và có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

  1. Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh;
  2. Thông tin trong thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi thông tin đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;
  3. Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.

Quy định về điều kiện để thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản gốc hầu như được kế thừa toàn bộ từ Luật GDĐT 2005.

3. Điều kiện để thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ

Theo quy định tại Luật GDĐT 2023, thông điệp dữ liệu có thể được dùng làm chứng cứ theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và theo quy định tại Luật GDĐT 2023 và pháp luật về tố tụng. Hiện nay, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hành chính ghi nhận “dữ liệu điện tử” là một trong những nguồn chứng cứ.

Khái niệm dữ liệu điện tử quy định tại Điều 99 BLTTHS năm 2015 như sau: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015 và khoản 3 Điều 82 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “thông điệp dữ liệu điện tử” được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. 

Như vậy, “thông điệp dữ liệu” trong Luật Giao dịch Điện tử 2023 hay “dữ liệu điện tử” tại Luật TTHS 2015, Luật TTDS đều là một đối tượng. Luật Giao dịch điện tử 2023 lần đầu tiên công nhận chứng cứ dưới dạng “dữ liệu” một cách chính thức, đây là tiền đề cho việc thu thập, sử dụng cũng như ban hành các quy phạm pháp luật chi tiết liên quan đến chứng cứ điện tử trong thời gian tới.

Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định dựa vào những yếu tố sau:

  • Độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu;
  • Cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu;
  • Cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu;
  • Các yếu tố phù hợp khác.

4. Điều kiện chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu

Trong quá trình số hóa, việc chuyển đổi văn bản từ dạng văn bản giấy truyền thống sang dạng dữ liệu điện tử để có thể lưu trữ và sử dụng bằng các thiết bị điện tử là tất yếu. Ngược lại, việc chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy cũng cần thiết trong một số trường hợp. Do đó, Luật GDĐT 2023 đã bổ sung quy định về chuyển đổi qua lại giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Luật GDĐT 2023 cho phép thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau: 

  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;
  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trong trường hợp chuyển đổi từ văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành (có dấu, chữ ký của cơ quan có thẩm quyền) sang thông điệp dữ liệu thì phải đáp ứng những yêu cầu sau:

  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;
  • Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;
  • Có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, tùy theo quy định pháp luật chuyên ngành thì giá trị của thông điệp dữ liệu có thể tương đương hoặc thấp hơn văn bản có chữ ký, đóng dấu. Ví dụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.

Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

  • Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;
  • Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;
  • Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;
  • Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c nêu trên và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

5. Chữ ký điện tử và chữ ký số

Theo quy định mới tại Luật GDĐT 2023, chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng, bao gồm:

a. Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Trong đó, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn là chữ ký điện tử chuyên dùng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Trường hợp cơ quan, tổ chức sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng để giao dịch với tổ chức, cá nhân khác hoặc có nhu cầu công nhận chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn thì đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông để được cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.

b. Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng.

Trên thực tế, chữ ký số công cộng đã được sử dụng từ khá phổ biến. Chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí. Ví dụ, chữ ký số VNPT-CA là các loại chữ ký số công cộng được cung cấp bởi dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), chữ ký số Viettel-CA là loại chữ ký số công cộng được cung cấp bởi dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel (“Viettel”). Các “hoạt động công cộng” được nhắc đến ở đây có thể bao gồm các hoạt động: ký kết giao dịch, khai báo thuế, hóa đơn điện tử, v.v..

c. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

6. Thay đổi khái niệm và đảm bảo giá trị pháp lý của chứng thư điện tử

Luật GDĐT 2023 đã đưa ra khái niệm về chứng thư điện tử hoàn toàn khác biệt về mặt bản chất so với Luật GDĐT 2005. Theo quy định cũ, chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận người ký chữ ký điện tử tương đương với khái niệm “chứng thư chữ ký số” quy định tại Điều 33 Luật GDĐT 2023.

Quy định mới đưa ra một khái niệm chứng thư điện tử hoàn khác. Có thể nói, khái niệm “chứng thư điện tử” tại Luật GDĐT 2005 và tại Luật GDĐT 2023 chỉ giống nhau về mặt tên gọi. Chứng thư điện tử theo quy định mới được đinh nghĩa là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử. Giấy chứng nhận trách nhiệm bảo hiểm dân sự điện tử[4] của chủ xe cơ giới, Chứng chỉ điện tử do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cấp cho học viên các khóa học ngắn hạn,[5], v.v. là các chứng thư điện tử theo định nghĩa mới của Luật GDĐT.

Quy định này giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử. Với sự ra đời của quy định này, sẽ ngày càng nhiều thủ tục hành chính và văn bản, chứng chỉ, giấy chứng nhận, giấy phép, v.v. dưới dạng điện tử được phát hành, các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện trực tuyến hoàn toàn từ bước đầu tiên cho đến bước nhận kết quả, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.

Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

  • Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành;
  • Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;
  • Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

7. Bổ sung loại hình dịch vụ tin cậy

Luật GD ĐT 2005 chỉ quy định về dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, thiếu các hoạt động đảm bảo khác của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử. Khắc phục điều này, Luật GDĐT 2023 đã bổ sung dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu bên cạnh dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

a. Dịch vụ cấp dấu thời gian

Dấu thời gian là dữ liệu điện tử gắn với thông điệp dữ liệu cho phép xác định thời gian của thông điệp dữ liệu đó tồn tại ở một thời điểm cụ thể. Dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu.

Có một số giao dịch mà trong đó, thời điểm ký có ý nghĩa quan trọng, chẳng hạn như các giao dịch chứng khoán, giao dịch ngân hàng.  Đối với ký số thông thường, thời gian ký số hiển thị là thời gian của thiết bị hoặc server ký số, có thể dễ dàng bị thay đổi bởi những công cụ đơn giản, khiến những tài liệu, chứng từ nhạy cảm về thời gian như giao dịch tài chính – chứng khoán, hợp đồng mua – bán, bệnh án điện tử, văn bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, v.v. bị ảnh hưởng, thậm chí là bị cố tình thay đổi, giả mạo dẫn đến việc chứng minh mốc thời gian tài liệu có hiệu lực sau ký số rất khó khăn và tốn kém chi phí nếu xảy ra tranh chấp hoặc gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi tài liệu trở thành chứng cứ. Do đó, dấu thời gian ra đời giúp giúp doanh nghiệp, tổ chức chống gian lận, giả mạo trong giao dịch điện tử.

Dấu thời gian và dịch vụ cấp dấu thời gian đã được quy định tại Nghị định 130 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, nay được quy định trực tiếp tại Luật GDĐT 2023.

b. Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu

Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu bao gồm:

  • Dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu;
  • Dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm.

8. Điều khoản chuyển tiếp

Sau khi Luật GDĐT 2023 có hiệu lực kể từ ngày 22/06/2023:

  • Chứng thư số được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì tiếp tục thực hiện theo quy định cũ và có giá trị như “chứng thư chữ ký số” theo Luật GDĐT 2023;
  • Giấy phép, Giấy chứng nhận được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn;
  • Xác nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại trước đây được tiếp tục sử dụng đến 30/6/2027;
  • Hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại đã nộp trước đây nhưng chưa có xác nhận đăng ký thì tiếp tục áp dụng quy định về thương mại điện tử.

Luật GDĐT 2023 có hiệu lực kể từ ngày 22/06/2023.

[1] Điểm c khoản 1 Điều 69 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

[2] Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014

[3] Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

[4] Theo Khoản 4 Điều 6 Mục 1 Chương II Nghị định 03/2021/NĐ-CP

[5] https://thanhnien.vn/mot-truong-dai-hoc-cap-chung-chi-giay-chung-nhan-dien-tu-cho-nguoi-hoc-1851517017.htm

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi