LƯU Ý NGHĨA VỤ VỀ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN CẦN THỰC HIỆN TRONG NĂM TÀI CHÍNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

LƯU Ý NGHĨA VỤ VỀ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN CẦN THỰC HIỆN TRONG NĂM TÀI CHÍNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

2023-08-11 20:13:29 1200

Ngày 28/7/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN) đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật PCRT (“Thông tư 09”). Thông tư số 09 hướng dẫn quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về PCRT; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.

Theo khoản 1 Điều 4 Luật PCRT 2022, đối tượng báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

  • Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
  • Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
  • Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
  • Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
  • Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Tại bản tin này, ATA sẽ cập nhật một số nghĩa vụ bắt buộc về PCRT mà các đối tượng báo cáo phải lưu ý thực hiện trong năm tài chính hoặc khi phát sinh sự kiện.

1. Trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ về PCRT

Theo quy định tại Thông tư 09, đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về PCRT và gửi cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT) 30 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế.

2. Trách nhiệm đăng ký thông tin người chịu trách nhiệm PCRT tại tổ chức

Tổ chức phải đăng ký thông tin về họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử để liên lạc khi cần thiết của người chịu trách nhiệm về PCRT hoặc người đầu mối thuộc bộ phận theo quy định; địa chỉ thư của bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) chịu trách nhiệm về PCRT cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT và cập nhật thông tin thay đổi (nếu có) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bổ nhiệm/ phân công/ thay đổi thông tin. Theo quy định tại khoản 11 Điều 5 Thông tư 09, đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ và cá nhân không có trách nhiệm phải thực hiện việc đăng ký này.

3. Trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về PCRT

Tổ chức phải gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về PCRT tại tổ chức đó cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCRT trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Nghĩa vụ này không áp dụng với các doanh nghiệp, cá nhân không phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định.

4. Trách nhiệm báo cáo đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong lãnh thổ Việt Nam có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên

a. Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam (chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.

b. Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 đô la Mỹ trở lên, hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Tuy nhiên, các giao dịch sau đây không thuộc đối tượng phải thực hiện báo cáo:

a. Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ.

b. Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

5. Trách nhiệm báo cáo đối với giao dịch đáng ngờ

Thông tư 09 quy định trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ của các tổ chức, cá nhân cung cấp một số dịch vụ đặc thù, bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán
  • Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng
  • Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý

Khi cung cấp dịch vụ kế toán; thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý công ty; tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp thay mặt khách hàng, các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ đặc thù nêu trên có trách nhiệm xem xét, thu thập, phân tích thông tin để báo cáo giao dịch đáng ngờ với cơ quan chức năng.

Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 28/07/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi