Nhằm triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023, ngày 16/05/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (“Nghị định 54”). Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định 54 đã được ATA Legal Services cập nhật, cụ thể như sau:
1. Làm rõ các trường hợp công trình khai thác nước mặt không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước
1.1. Công trình khai thác nước mặt quy mô nhỏ:
a) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm;
b) Khai thác nước mặt cho mục đích sinh hoạt có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm; khai thác nước mặt cho mục đích sinh hoạt có quy mô không vượt quá 200 m³/ngày đêm đối với khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
c) Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m³; công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô không vượt quá 0,1 m³/giây.
d) Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;
đ) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m³/ngày đêm.
1.2. Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ với diện tích mặt nước sử dụng có quy mô không vượt quá 100 m2 (trừ sử dụng mặt nước tại các khu, điểm du lịch).
1.3. Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan bao gồm:
a) Đào hồ, ao có quy mô diện tích mặt nước không vượt quá 500 m2;
b) Đào kênh, mương, rạch với lưu lượng dẫn nước có quy mô không vượt quá 0,1 m³/giây hoặc bề rộng đáy không vượt quá 0,5 m;
1.4. Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) là công trình tạm, thời vụ có thời gian sử dụng liên tục không quá 3 tháng.
1.5. Tổ chức, cá nhân khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh. Đối với công trình có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước thì sau khi kết thúc thời gian nêu trên phải dừng ngay việc khai thác và trong thời gian không quá 30 ngày, phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình về việc khai thác nước tại công trình.
2. Quy định chi tiết điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước
Dịch vụ về tài nguyên nước là một trong những nội dung mới nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật Tài nguyên nước 2023 thì dịch vụ về tài nguyên nước bao gồm:
- Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước;
- Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Hướng dẫn chi tiết nội dung này, Nghị định 54 quy định tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc một trong các loại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước.
- Có hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm bảo đảm khả năng thực hiện dịch vụ theo quy định.
- Có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đáp ứng điều kiện yêu cầu về nhân lực, cơ sở hạ tầng của tổ chức cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước và các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về lao động.
- Có văn bằng đào tạo trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao. Các văn bằng này được các cơ sở đào tạo của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp theo quy định của pháp luật.
- Có quyết định tuyển dụng hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức theo quy định của pháp luật. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm lập hồ sơ chứng minh năng lực hoạt động dịch vụ về tài nguyên nước, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất 6 tháng.
3. Mở rộng đối tượng và quy định chi tiết mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Theo quy định tại Nghị định 82/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 41/2021/NĐ-CP) việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được áp dụng cho đối tượng sử dụng nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh và dao động từ 0,1% đến 2,0% tính trên giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Quy định mới tại Nghị định 54 mở rộng thêm 2 đối tượng thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là (i) khai thác tài nguyên nước dùng cho sinh hoạt với mức thu tiền cấp quyền là 0,1% và (ii) khai thác nước mặt dùng cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác nước dưới đất cho tưới lúa, hoa màu và các cây trồng khác với mức thu tiền cấp quyền là 0,05%.
4. Phải lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư về tác động của công trình khai thác nước trước khi xây dựng công trình và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước mặt
Trước đây, tại Nghị định 02 chỉ quy định thời điểm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư là trong quá trình lập dự án đầu tư đối với trường hợp theo quy định. Tuy nhiên, Nghị định 54 đã quy định chi tiết về thời hạn lấy ý kiến phải đảm bảo trước khi xây dựng công trình và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác nước mặt đối với các dự án:
- Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch;
- Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác quy định tại điểm a khoản này với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
- Công trình khai thác nước mặt không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có quy mô khai thác từ 10 m³/giây trở lên cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; từ 300.000 m³/ngày đêm trở lên cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình.
- Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
Nội dung trên được sửa đổi theo hướng rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án trong quá trình lấy ý kiến của cộng đồng dân cư.
Đối với các dự án đang thực hiện/đã hoàn thành việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định 02 thì không phải thực hiện lấy lại ý kiến theo quy định tại Nghị định 54 mà được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 02.
Nghị định 54 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 và thay thế cho các Nghị định số 02/2023/NĐ-CP, Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Nghị định số 41/2021/NĐ-CP và Nghị định số 54/2015/NĐ-CP.
Lưu ý: Nghị định 54 hướng dẫn chi tiết về vấn đề bảo lưu đối với các trường hợp đã được cấp phép, đăng ký, kê khai, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác nước và hoàn thành việc nộp tiền cấp quyền theo quy định cũ trước ngày 01/7/2024. Theo đó, về nguyên tắc, trong các trường hợp này, các tổ chức, cá nhân sẽ được quyền chủ động lựa chọn việc tiếp tục thực hiện theo văn bản cũ hoặc đề nghị thực hiện theo Nghị định 54.
Bình luận: