Ngày 05/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP về điều kiện đầu tư hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để thay thế cho Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP (“Nghị định 125”). Về cơ bản, Nghị định 125 điều chỉnh các điều kiện đầu tư theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
1. Cho phép thay thế diện tích khu đất xây dựng trường học bằng diện tích sàn xây dựng
Tại các khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, việc đảm bảo và đáp ứng điều kiện về diện tích khu đất tối thiểu để xây dựng các trường mầm non (gồm trường tư thục và dân lập), trường tiểu học, trường trung học (gồm trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông nhiều cấp) là rất khó khăn, trong khi nhu cầu học tập lại liên tục tăng; nhằm khắc phục tình trạng trên, Nghị định 125 cho phép đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em/học sinh theo quy định.
Quy định này đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu học tập của các trẻ em/học sinh.
2. Cơ sở giáo dục phải đảm bảo nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục
Trước đây, Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định suất vốn đầu tư tối thiểu chỉ áp dụng với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; tuy nhiên, Nghị định 125 mở rộng đối tượng áp dụng mức đầu tư tối thiểu cho tất cả các loại hình cơ sở giáo dục tư thục (có và không có vốn đầu tư nước ngoài). Mức đầu tư tối thiểu được Nghị định 125 quy định tương đương mức quy định của Nghị định 86, cụ thể:
Stt |
Loại trường |
Mức đầu tư tối thiểu |
Ghi chú |
1 |
Trường mầm non tư thục |
30 triệu đồng/trẻ |
Không bao gồm chi phí sử dụng đất |
2 |
Trường tiểu học tư thục |
50 triệu đồng/học sinh và tổng mức đầu tư không thấp hơn 50 tỷ đồng |
|
3 |
Trường trung học tư thục |
50 triệu đồng/học sinh và tổng mức đầu tư không thấp hơn 50 tỷ đồng |
3. Bổ sung một số hình thức trung tâm thực hiện nhiệm giáo dục thường xuyên
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ngày càng gia tăng của xã hội, Nghị định 125 bổ sung một số hình thức trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên gồm: trung tâm giáo dục kỹ năng sống; trung tâm bồi dưỡng kiến thức, văn hóa, nghệ thuật và các trung tâm khác thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đáp ứng nhu cầu người học. Đồng thời, Nghị định 125 bãi bỏ điều kiện phải phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục khi thành lập trung tâm; qua đó, việc thành lập các trung tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên sẽ được xác định theo nhu cầu của thị trường, đảm bảo phù hợp với nhu cầu học tập thường xuyên và định hướng xây dựng xã hội học tập của Nhà nước.
Nghị định 125 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2024./.
Bình luận: