NGHỊ ĐỊNH MỚI BỔ SUNG KHUNG PHÁP LÝ VỀ TIỀN ĐIỆN TỬ

NGHỊ ĐỊNH MỚI BỔ SUNG KHUNG PHÁP LÝ VỀ TIỀN ĐIỆN TỬ

2024-05-24 23:16:30 751

Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (“Nghị định 52”), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Nghị định 52 có một số sửa đổi bổ sung đáng chú ý sau đây:

1. Bổ sung khung pháp lý về tiền điện tử

Trước đây, thuật ngữ "tiền điện tử" đã được đề cập tại Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng chưa được giải thích tại một số văn bản dưới luật, do đó, trên thực tế, đã có nhiều sự nhầm lẫn, hiểu sai giữa “tiền điện tử” và một số loại tài sản mới chưa được pháp luật công nhận như “tiền ảo”, “tiền mã hóa”,… Lần đầu tiên Nghị định 52 quy định khái niệm tiền điện tử một cách rõ ràng, tường minh.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 52 tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Trên thực tế, các hình thức lưu trữ tiền điện tử như ví điện tử, thẻ trả trước đã tồn tại từ lâu và ngày càng phát huy vai trò trong hoạt động thanh toán giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Nghị định 52 bổ sung thêm các quy định quản lý chặt chẽ hoạt động của các hình thức lưu trữ tiền điện tử như sau:

- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung ứng ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho tiền điện tử góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành; phân định rõ ràng giữa tiền điện tử và các loại tiền ảo chưa được pháp luật công nhận trên thị trường.

2. Bổ sung quy định về mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng

Theo quy định mới tại Nghị định 52, các dịch vụ trung gian thanh toán được mở rộng hơn, bao gồm:

- Dịch vụ chuyển mạch tài chính,

- Dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế,

- Dịch vụ bù trừ điện tử,

- Dịch vụ ví điện tử,

- Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ

- Dịch vụ cổng thanh toán điện tử

Trong đó, điều kiện về vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu đối với tổ chức không phải  là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:

+ Tổ chức cung cấp  dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử: 50 tỷ đồng;

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử: 300 tỷ đồng.

3. Bổ sung thêm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những kênh bị các đối tượng khai thác, mua bán dữ liệu lợi dụng nhiều nhất do mức độ phổ biến cũng như tính chất liên quan đến tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán. Nghị định 52 bổ sung thêm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, trật tự và hiệu quả của hệ thống thanh toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch. Trước đây, nếu việc nghiêm cấm chỉ dừng lại ở tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật thì Nghị định 52 mở rộng phạm vi, nghiêm cấm tiết lộ, cung cấp thông tin về số dư trên tài khoản thanh toán, số dư thẻ ngân hàng, số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Có thể thấy, việc bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt được đặc biệt chú trọng khi Nghị định 52 bổ sung chi tiết vào quy định cấm các hành vi tiết lộ, đánh cắp, mua bán thông tin của cá nhân và tài khoản cá nhân các các bên tham gia mở tài khoản và sử dụng các phương thức trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn các hành vi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động tội phạm, Nghị định 52 cũng nghiêm cấm thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

4. Bổ sung trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán khi có nhầm lẫn, sai sót với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền

Nghị định 52  bổ sung trường hợp khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Theo quy định trên, việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi ngân hàng chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền. Tức là ngân hàng chuyển sai thông tin so với lệnh thanh toán của khách hàng, lỗi hoàn toàn từ phía ngân hàng chuyển tiền thực hiện. Đồng thời, bên yêu cầu hoàn trả lại tiền chuyển nhầm cũng phải là phía ngân hàng chuyển tiền. Như vậy, người dân chuyển nhầm tiền thì không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán phong tỏa tài khoản người nhận. Điều này cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có thêm cơ sở để phối hợp giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Nghị định 52 cũng quy định tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường.

5. Việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán có thể thực hiện theo thỏa thuận từ trước giữa ngân hàng và chủ tài khoản

Trước đây, việc xử lý số dư của chủ tài khoản trong trường hợp chủ tài khoản bị mất ý thức tạm thời rất khó khăn do không có đủ cơ sở pháp lý để trển khai. Trong tình huống này, những người thân hoặc người được chủ tài khoản tin tưởng chỉ có thể chờ chủ tài khoản chết hoặc đề nghị đề nghị Tòa án tuyên bố mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự mới có thể giải quyết.

Giải quyết vấn đề trên, Nghị định 52 bổ sung thêm căn cứ pháp lý xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán có thể được thực hiện theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trường hợp chủ tài khoản là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, việc chi trả thực hiện theo yêu cầu người đại diện theo pháp luật, người giám hộ phù hợp với quy định pháp luật dân sự; hoặc chi trả cho người thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết.

Nghị định 52 có hiệu lực từ 01/07/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi