Ngày 23/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP (“Nghị định 65”) nhằm quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật SHTT”) về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và một phần của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Sau đây là một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định 65:
1. Thay đổi, bổ sung các mẫu đơn, tờ khai đăng ký mới
Nghị định 65 đã thay thế toàn bộ các mẫu tờ khai đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý và tích hợp hướng dẫn tờ khai tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định. Trong đó, nhãn hiệu âm thanh, một loại nhãn hiệu phi truyền thống lần đầu tiên được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu theo Luật SHTT năm 2022 đã được cập nhật trong mẫu tờ khai nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra các mẫu đơn mới là mẫu “Đơn đề nghị xác nhận thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm lần đầu bị chậm” và “Tờ khai yêu cầu đền bù do chậm cấp phép lưu hành lần đầu đối với dược phẩm sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế” được sử dụng trong trường hợp chủ bằng sáng chế yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đền bù vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm được quy định tại Điều 131a Luật SHTT năm 2022.
2. Đơn giản hóa thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (“SHCN”)
Nghị định 65 đưa ra cơ chế mới về việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ. Theo đó, Người nộp đơn có thể thực hiện quyền yêu cầu sửa đổi trên bằng văn bản mà không cần nộp Tờ khai sửa đổi như trước kia chỉ khi thời điểm yêu cầu là trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc bị từ chối chấp nhận hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Cơ chế này góp phần đơn giản hóa quy trình sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn có thể chủ động hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian nếu như sớm triển khai việc sửa đổi, sung đơn trước khi có ý kiến chấp thuận hoặc từ chối từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tách đơn đăng ký xác lập quyền SHCN
Theo Điều 17 của Nghị định 65, người nộp đơn có quyền yêu cầu tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung trong các trường hợp sau:
- Tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế;
- Tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Tách một hoặc một phần danh mục hàng hoá, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu;
Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.
4. Rút đơn đăng ký xác lập quyền SHCN
Khoản 2 Điều 17 Nghị định 65 nêu rõ các nguyên tắc, các bước và các yêu cầu để rút đơn đăng ký SHCN. Trong đó, nghị định mới đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn khắc phục tại điểm b1 khoản 2 Điều 17. Quy định bổ sung này tạo ra hành lang để người nộp đơn có điều kiện khắc phục các thiếu sót nếu có trong quá trình rút đơn đăng ký.
5. Hình thức của văn bằng bảo hộ được ưu tiên cấp dưới dạng điện tử
Nghị định 65 bổ sung quy định về việc cấp văn bằng bảo hộ độc quyền dưới dạng điện tử hoặc dạng giấy. Đối với các đơn đăng ký xác lập quyền nộp từ ngày 23 tháng 08 năm 2023 (ngày có hiệu lực thi hành) thì phải áp dụng quy định của Nghị định này, theo đó văn bằng bảo hộ độc quyền dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn tích chọn yêu cầu đó trong Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu mới (quy định tại Điều 29.1 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
Quy định này có tính liên hệ và thống nhất với nội dung của Luật Giao dịch Điện tử 2023, phục vụ mục tiêu thực hiện thủ tục hành chính toàn trình. Theo đó, thủ tục hành chính sẽ được thực hiện trực tuyến từ bước đầu cho đến bước nhận kết quả dưới dạng điện tử. Tuy nhiên, quy định vẫn cho phép chủ đơn được lựa chọn cấp văn bằng bảo hộ ở dạng giấy nhằm đáp ứng mong muốn của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đặc thù.
6. Bổ sung điều kiện sửa đổi “mẫu nhãn hiệu” trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Trước đây, theo quy định tại Điểm 20.1(b) của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, chủ văn bằng bảo hộ có thể yêu cầu sửa đổi một số chi tiết nhưng không làm thay đổi đáng kể mẫu nhãn hiệu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nghị định 65 bổ sung trường hợp yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận nếu đáp ứng 02 điều kiện sau:
a. Chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) và;
b. Không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
Quy định này cho phép chủ văn bằng chủ động, linh hoạt trong việc sửa đổi “mẫu nhãn hiệu” đã đăng ký, đồng thời vẫn đảm bảo các thay đổi này nằm trong giới hạn xác định, không gây xáo trộn thông tin đăng ký đã được ghi nhận và quản lý.
7. Bổ sung quy định chi tiết về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định mới tại Điều 60 Nghị định 65, việc chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ không được chấp nhận nếu nếu nhãn hiệu được chuyển nhượng:
a. Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng;
b. Có một phần hàng hóa, dịch vụ tương tự với phần hàng hóa dịch vụ thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng và việc sử dụng nhãn hiệu được chuyển nhượng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ; hoặc
c. Có chứa dấu hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng, giá trị của hàng hóa dịch vụ.
8. Bổ sung các thủ tục liên quan đến sáng chế mật
Sáng chế mật là khái niệm mới lần đầu tiên được đưa ra tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Sáng chế mật “là sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”. So với các thủ tục thông thường, quy định về thủ tục liên quan đến sáng chế mật có các điểm khác biệt sau:
- Yêu cầu về Đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy (không phải dạng điện tử),
- Các tài liệu cần cung cấp, thủ tục xử lý đơn, thời hạn thẩm định nội dung đơn sáng chế mật không quá 18 tháng,
- Cục Sở hữu trí tuệ có thể phối hợp với Bộ Công an để xác minh tính mới của sáng chế và có thể đề nghị xác định người nộp đơn xác định lại sáng chế có thuộc diện bí mật nhà nước hay không (thời hạn phản hồi là 03 tháng).
- Không áp dụng thủ tục khiếu nại đối với các quyết định, thông báo về đơn đăng ký sáng chế mật và các loại đơn khác liên quan đến sáng chế mật,
- Không công bố đơn đăng ký sáng chế mật và văn bằng bảo hộ sáng chế mật.
Nghị định 65 có hiệu lực thi hành từ ngày 23/08/2023.
Bình luận: