Mặc dù đều là giao dịch chuyển nhượng phần vốn trong doanh nghiệp nhưng lại có sự khác biệt nhất định giữa việc xác định thu nhập tính thuế TNCN của các cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần và cá nhân chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên).
Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 25/2018/TT-BTC thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
+ Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán 2019.
- Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 và Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo căn cứ trên và theo nội dung hướng dẫn tại Công văn 1505, có thể xác định:
- Giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật Doanh nghiệp được xác định là chuyển nhượng vốn góp.
- Giao dịch chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần theo quy định tại Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán được xác định là chuyển nhượng chứng khoán.
Dưới đây là những điểm khác biệt cơ bản trong cách xác định thuế và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập phát sinh từ các giao dịch nêu trên:
Tiêu chí |
Giao dịch chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần (căn cứ Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC) |
Giao dịch chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH (căn cứ Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC) |
Thu nhập tính thuế |
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần (không phân biệt cá nhân bán chứng khoán có lãi/ có lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán hay không). · Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau: - Đối với chứng khoán của công ty đại chúng: là giá thực hiện (căn cứ trên kết quả khớp lệnh hoặc thoả thuận) tại Sở Giao dịch chứng khoán. - Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên: là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của doanh nghiệp phát hành chứng khoán tại báo cáo tài chính gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng. |
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn (lợi nhuận/lãi ròng từ hoạt động đầu tư vốn). · Giá chuyển nhượng: Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng. · Giá mua: Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn. Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. · Các khoản chi phí hợp lý (nếu có): là các khoản chi phí hợp lý mà cá nhân đã chi trả phục vụ cho giao dịch chuyển nhượng vốn như chi phí triển khai thủ tục chuyển nhượng theo quy định của doanh nghiệp, chi phí trả cho bên môi giới/thu xếp giao dịch… |
Thuế suất |
0,1% trên thu nhập tính thuế (giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần). |
20% trên thu nhập tính thuế (lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư vốn). |
Tần suất phát sinh nghĩa vụ nộp thuế |
Nghĩa vụ nộp thuế phát sinh đối với mọi giao dịch chuyển nhượng chứng khoán |
Nghĩa vụ nộp thuế chỉ phát sinh khi cá nhân có lợi nhuận/ lãi từ giao dịch chuyển nhượng vốn.
|
Bình luận: