SIẾT CHẶT QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ NHIỀU TẦNG, NHIỀU CĂN HỘ

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ NHIỀU TẦNG, NHIỀU CĂN HỘ

2023-10-27 16:54:58 1491

Trong thời gian vừa qua, ở một số tỉnh, thành phố tại khu vực đô thị, các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế …, việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ (sau đây gọi tắt là “công trình”) không tuân thủ quy định pháp luật như: xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (“PCCC”), nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng, … dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ sự cố, mất an toàn cho công trình.

Để kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 22/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 991/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cụ thể như sau:

1. Các giải pháp tháo gỡ về chính sách pháp luật

- Kiểm tra, rà soát, kịp thời đánh giá, đề xuất/ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế về PCCC, cấp phép, quản lý, sử dụng, tên gọi đối với công trình;

- Ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn về PCCC cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác (hoàn thành trong tháng 10 năm 2023);

-  Ban hành các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

2. Các giải pháp tháo gỡ tăng tính an toàn về PCCC trong thực tiễn xây dựng

- Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng:

  • Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai;
  • Có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn;
  • Trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC.

- Đối với các công trình mới:

  • Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, PCCC;
  • Quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, trật tự xây dựng theo quy định.

- Đối với chủ đầu tư, người dân sinh sống tại các công trình:

  • Tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan;
  • Hướng dẫn kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ.

3. Các giải pháp giảm thiểu các hành vi vi phạm về PCCC và trật tự xây dựng

- Rà soát, kiểm tra toàn bộ các công trình đã đưa vào sử dụng về an toàn PCCC, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân;

- Rà soát, kiểm tra phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện và xử lý các vi phạm có liên quan;

- Xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi