SỬ DỤNG ĐẤT KHI CHƯA ĐƯỢC BÀN GIAO ĐẤT TRÊN THỰC ĐỊA ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ HÀNH VI LẤN, CHIẾM ĐẤT ĐAI

SỬ DỤNG ĐẤT KHI CHƯA ĐƯỢC BÀN GIAO ĐẤT TRÊN THỰC ĐỊA ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ HÀNH VI LẤN, CHIẾM ĐẤT ĐAI

2024-10-11 20:15:36 135

Nhằm tăng cường hiệu quả của việc thực thi chính sách, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, ngày 04/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2024/NĐ-CP (“Nghị định 123”) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, ATA Legal Services đã cập nhật một số nội dung mới đáng chú ý như sau[1]:

1. Nghị định bổ sung khái niệm và cách thức phân định số lợi bất hợp pháp phải thu trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện hành vi vi phạm

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 123, Số lợi bất hợp pháp là “số lợi được tính thành tiền do tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có được từ việc sử dụng đất sau vi phạm và phải nộp vào ngân sách nhà nước”.

Trong trường hợp hành vi vi phạm do nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện trên một thửa đất thì số lợi bất hợp pháp phải thu được chia đều cho các tổ chức, cá nhân cùng vi phạm.

2. Hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa được bàn giao đất trên thực địa là hành vi lấn, chiếm đất đai

Để thắt chặt công tác quản lý đất đai đối với việc giao đất và cho thuê đất, Nghị định 123 cũng bổ sung hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa trong các hành vi lấn, chiếm đất đai và đưa ra mức xử phạt cao nhất, lên tới 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức nếu diện tích bị vi phạm từ 02 ha trở lên.

3. Bổ sung quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi sử dụng trái phép các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà chưa được cấp phép cũng được bổ sung tại Nghị định 23 với mức xử phạt cao nhất lên đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.

4. Bổ sung quy định xử phạt đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất; cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức mà không thành lập tổ chức kinh tế theo quy định

Theo đó, mức xử phạt vi phạm đối với  Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận có thể lên đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 03 héc ta trở lên.

Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức mà không thành lập tổ chức kinh tế, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

5. Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội khi không có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh

Điều 127.3.c Luật Đất đai 2024 quy định về một trong những điều kiện đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất là phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Do đó, Điều 23 Nghị định 123 đã bổ sung quy định xử phạt về hành vi nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội khi không có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh với mức xử phạt cao nhất lên tới 200.000.000 đồng khi diện tích đất vi phạm từ 02 ha trở lên.

6. Hầu hết các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với đất nông nghiệp đều tăng lên

So với mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất đai theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP (“Nghị định 91”) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nghị định 123 đã một số thay đổi đáng kể mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm đối với đất nông nghiệp, có thể kể đến như:

+ Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, mức phạt tiền cao nhất là từ 150 triệu đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 ha trở lên (trong khi Nghị định 91 quy định mức 120 triệu đến 250 triệu nhưng diện tích đất từ 03 ha trở lên);

+ Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì mức xử phạt cao nhất là từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 ha trở lên (trong khi Nghị định 91 quy định mức 100 – 200 triệu cho diện tích từ 03 ha trở lên)…

Nghị định 123 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/10/2024.

[1] Lưu ý: trừ trường hợp được nêu rõ trong bản tin, mức xử phạt mà ATA trích dẫn hoặc nhắc đến sẽ là mức được áp dụng cho cá nhân. Mức xử phạt của tổ chức được quy định bằng 2 lần mức xử phạt của cá nhân.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi