Ngày 24/02/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 606/VKSTC-V11 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính (“Công văn 606”). Công văn này đưa ra một số hướng dẫn tiêu biểu, cần quan tâm về vấn đề thi hành án (“THA”), quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động THA trong lĩnh vực dân sự.
Triển khai THA trong trường hợp tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã bị “tẩu tán”
Vấn đề đặt ra: Trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng (ô tô, xe máy, tàu thủy, v.v.) nhưng đã chuyển nhượng theo hình thức viết tay hoặc cho thuê, mượn, v.v. không thu hồi được để kê biên thì giải quyết thế nào?
Hướng dẫn của Viện Kiểm sát:
- Tất cả tài sản này phải bị cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế phương tiện được phép tham gia giao thông. Cơ quan THA gửi văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Do đó, tài sản đã bán mà không đăng ký, cho thuê, mượn, v.v. vẫn được xác định là đủ điều kiện và đều phải được thu hồi để phục vụ cho mục đích kê biên để THA.
- Chỉ xác định là không đủ điều kiện THA khi xác định tài sản đó đã cháy, hỏng, không còn giá trị và giá trị sử dụng và sau khi cơ quan THA tiếp tục xác minh mà không còn tài sản khác để THA.
Thế nào là “lý do chính đáng không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ” trong căn cứ hoãn THA
Vấn đề đặt ra: Tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân dự (“THADS”) quy định một trường hợp để xem xét và quyết định hoãn thi hành án là “vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định”. Tuy nhiên, chưa có quy định thế nào là “lý do chính đáng” trong trường hợp này.
Hướng dẫn của Viện Kiểm sát:
- Chỉ áp dụng căn cứ này để hoãn THA đối với các nghĩa vụ về nhân thân, không áp dụng đối với nghĩa vụ về tài sản;
- Có thể tham khảo quy định về trường hợp bất khả kháng và trở ngại khách quan tại Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP để xác định “lý do chính đáng” hoãn THA, cụ thể:
+ Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
+ Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu THA đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu THA theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan THA hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu THA đúng hạn.
Cơ quan THA phải triển khai áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay cả khi thời điểm triển khai trùng ngày nghỉ, lễ, tết
Vấn đề đặt ra: Theo quy định, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được Quyết định THA, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA. Tuy nhiên, nếu trong 24 giờ đó rơi vào ngày lễ, ngày tết thì CHV có phải thực hiện hay không?
Hướng dẫn của Viện Kiểm sát:
Biện pháp khẩn cấp tạm thời (“BPKCTT”) phải được thi hành ngay sau khi Tòa án đã ra quyết định và việc thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án không loại trừ các trường hợp vào ngày nghỉ lễ, tết.
Điều này xuất phát từ cơ sở là việc áp dụng BPKCTT nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để bảo đảm việc THA. Do đó, BPKCTT phải được áp dụng ngay. Mọi sự trì hoãn, kéo dài đều có khả năng gây ra những thiệt hại lớn hoặc có thể khiến việc thi hành biện pháp đó không còn ý nghĩa.
Công văn 606 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Bình luận: