TĂNG CƯỜNG CƠ CHẾ HẬU KIỂM ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG THEO MẪU, ĐIỀU KIỆN GIAO DỊCH CHUNG SAU KHI ĐĂNG KÝ

TĂNG CƯỜNG CƠ CHẾ HẬU KIỂM ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG THEO MẪU, ĐIỀU KIỆN GIAO DỊCH CHUNG SAU KHI ĐĂNG KÝ

2024-05-23 10:45:43 1060

Ngày 16/05/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP (“Nghị định 55”) hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 99/2011/NĐ-CP (“Nghị định 99”) hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Nghị định 55 có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:

1. Tăng cường quản lý hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung

1.1. Bổ sung, làm rõ các yêu cầu về hình thức đối với hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung:

a. Cho phép sử dụng các ngôn ngữ khác song song với tiếng Việt theo quy định trong hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung;

b. Bổ sung quy định yêu cầu bố cục, thiết kế của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải rõ ràng, dễ hiểu.

1.2. Không giao kết, thanh toán trước hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi chưa hoàn thành đăng ký

Ngoài việc không được giao kết hợp đồng với người tiêu dùng khi chưa hoàn thành công tác đăng ký, Nghị định 55 cũng yêu cầu tất cả các hành vi thanh toán trước hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm giao kết hợp đồng sẽ chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân kinh doanh đã hoàn thành việc đăng ký và công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để người tiêu dùng biết về nội dung của các văn bản này theo quy định.

Quy định này hướng tới việc hạn chế các trường hợp đơn vị kinh doanh “lách luật” khi yêu cầu người tiêu dùng giao kết các Hợp đồng đặt cọc/bảo đảm thực hiện Hợp đồng hoặc yêu cầu người tiêu dùng thực hiện ứng trước/ tạm ứng/ thanh toán trước khi chưa giao kết Hợp đồng.

1.3. Tăng thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Điều 14 Nghị định 99 quy định chậm nhất hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm ra thông báo về việc chấp nhận hoặc từ chối đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Nói cách khác, thời hạn thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Nghị định 99 là hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Điều 10 Nghị định 55 điều chỉnh tăng thời hạn này thành 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và có thể được gia hạn thêm tối đa không quá 30 ngày trong trường hợp phức tạp.

1.4. Bổ sung cơ chế hậu kiểm đối với Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký:

1.4.1. Đơn vị kinh doanh phải báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình đăng ký và áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Điều 7 Nghị định 55 bổ sung quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình đăng ký và áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký theo quy định trước ngày 31 tháng 01 hằng năm.

1.4.2. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký có thể bị yêu cầu hủy bỏ bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện có nội dung vi phạm pháp luật

Điều 15 Nghị định 55 bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi toàn bộ hoặc một phần hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bất cứ lúc nào phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp này như sau:

a. Phối hợp báo cáo, cung cấp thông tin, giải trình làm rõ các nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

b. Trường hợp phải sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm thì phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp phức tạp thì được gia hạn thêm tối đa 90 ngày theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

c. Phải đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định (đối với các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc phạm vi phải đăng ký).

d. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm, phải công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm theo quy định và thông báo cho người tiêu dùng đã giao kết hợp đồng để áp dụng điều kiện giao dịch chung mới và giao kết lại hợp đồng theo mẫu nếu người tiêu dùng có yêu cầu.

2. Quy định chi tiết trách nhiệm và trình tự giải quyết khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của đơn vị kinh doanh

Nghị định 55 lần đầu đưa ra cơ chế cụ thể hướng dẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Cụ thể, khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện theo trình tự sau:

TT

Trách nhiệm

Thời hạn thực hiện

1

Thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường

24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

2

Công khai và thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo quy định

Tùy theo mức độ ảnh hưởng/nguy hiểm của sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

3

Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Trước khi thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

4

Thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

 

5

Báo cáo kết quả thực hiện việc thu hồi tới cơ quan có thẩm quyền

05 ngày làm việc kể từ thời điểm kết thúc việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu báo cáo của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Tăng cường trách nhiệm của đơn vị kinh doanh trong các giao dịch đặc thù

Nghị định 55 bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, bao gồm giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng, hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên. Trong đó, một số quy định mới đáng chú ý như:

a. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch từ xa phải cung cấp các thông tin về thời gian, trình tự thực hiện, đầu mối làm việc, v.v. khi xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng;

b. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn có trách nhiệm cập nhật và công bố công khai các thông tin liên quan đến cơ chế vận hành nền tảng.

c. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để cảnh báo người tiêu dùng.

d. Tổ chức bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo và đảm bảo duy trì tỉ lệ doanh thu cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định.

e. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo một trong các hình thức sau: qua đường bưu điện; trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã; qua thư điện tử kèm chữ ký số hoặc kèm bản scan thông báo có chữ ký và đóng dấu của tổ chức, cá nhân kinh doanh đến địa chỉ thư điện tử đã được Ủy ban nhân dân cấp xã công bố.

Nghị định 55 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi