TĂNG CƯỜNG PHÂN QUYỀN TRONG CÔNG TÁC ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

TĂNG CƯỜNG PHÂN QUYỀN TRONG CÔNG TÁC ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

2024-08-02 09:11:23 218

Ngày 25/07/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP (“Nghị định 97”) sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP (“Nghị định 10”) về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Nghị định 97 đưa ra một số nội dung mới đáng chú ý như sau:

1. Phân quyền quản lý các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

1.1. Giới hạn danh mục các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ đại diện chủ sở hữu

Nghị định 97 quy định rõ Thủ tướng Chính phủ thực hiện trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định đầu tư vốn để thành lập, bao gồm:

  1. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội;
  2. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
  3. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
  4. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
  5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
  6. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam;
  7. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
  8. Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập mới theo quy định.

1.2. Quy định rõ phạm vi các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm đại diện của quan đại diện chủ sở hữu

Cơ quan đại diện chủ sở hữu ("Cơ quan Đại diện”) thực hiện trách nhiệm quản lý đối với:

  1. Doanh nghiệp do Cơ quan Đại diện quyết định thành lập;
  2. Doanh nghiệp do Cơ quan Đại diện được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên ở trên;
  3. Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Như vậy, ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc danh mục nêu tại mục 1.1 ở trên, các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành sẽ được phân quyền quản lý cho các Cơ quan Đại diện cấp dưới.

2. Tăng cường phân quyền quản lý trong hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định 97 cho phép doanh nghiệp/ Hội đồng Thành viên/ Chủ tịch Công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quyền chủ động hơn trong các vấn đề sau:

  1. Trước đây, các khoản vay vốn nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ (trừ khoản vay vốn nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm) sẽ phải đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận. Tuy nhiên, Nghị định 97 đã cho phép trường hợp này doanh nghiệp chỉ cần đệ trình và được Cơ quan Đại diện phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài mà không cần phải thông qua Bộ Tài chính;
  2. Cơ quan Đại diện sẽ chỉ phê duyệt để Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Công ty ký kết các hợp đồng đối với các tài sản cố định có giá trị trên 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, thay vì tất cả các tài sản như quy định cũ;
  3. Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Công ty được chủ động quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc mà không phải xin ý kiến của Cơ quan Đại diện.

3. Tăng cường phân quyền quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải báo cáo, xin ý kiến Cơ quan Đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

Nghị định 97 thu hẹp phạm vi các nội dung phải báo cáo, xin ý kiến Cơ quan Đại diện trong các doanh nghiệp này. Theo đó, người đại diện phần vốn Nhà nước sẽ không cần xin ý kiến đối với về các vấn đề sau đây:

  1. Chủ trương mua, bán các loại tài sản mà không phải là tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp;
  2. Phương án tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động, cán bộ nhân viên mà không phải là người quản lý của doanh nghiệp.

Riêng đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập, Nghị định 97 cho phép các doanh nghiệp chủ động thực hiện nhưng phải có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan Đại diện trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Nghị định 97 có hiệu lực kể từ ngày 10/09/2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi