TĂNG MỨC GIAO DỊCH CÓ GIÁ TRỊ LỚN PHẢI BÁO CÁO LÊN 400 TRIỆU ĐỒNG

TĂNG MỨC GIAO DỊCH CÓ GIÁ TRỊ LỚN PHẢI BÁO CÁO LÊN 400 TRIỆU ĐỒNG

2023-05-12 15:13:25 1328

Ngày 28/04/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 (“Nghị định 19”) thay thế Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (“Nghị định 116”). Nghị định 19 đưa ra nhiều quy định mới trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền. Cụ thể như sau:

1. Tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”)

Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức quy định. Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Điều này sẽ giúp kiểm soát các giao dịch, phát hiện các giao dịch có dấu hiệu tăng đột biến, bất thường, phòng chống hoạt động rửa tiền diễn ra.

Theo đó, ngày 27/04/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo (“Quyết định 11”). Cụ thể, kể từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với NHNN. Thực tế, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng đã được áp dụng từ 10/6/2013 theo Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013. Đến nay, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều biến đổi, giá trị đồng tiền cũng thay đổi nên giá trị mức giao dịch của khách hàng trong một lần đã tăng lên rất nhiều lần. Vì vậy, việc nâng hạn mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 400 triệu đồng là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch.

Căn cứ vào mức giao dịch này, Nghị định 19 đã tăng mức giao dịch đối với một số khách hàng khi tham gia giao dịch nhằm phù hợp với Quyết định 11. Nội dung chi tiết được nêu tại mục 2 dưới đây.

2. Các biện pháp nhận biết khách hàng trong phòng, chống rửa tiền

So với Nghị định 116, Nghị định 19 đã sửa đổi một số trường hợp mà đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng. Cụ thể:

Đối tượng báo cáo

Nghị định 116

Nghị định 19

Tổ chức tài chính

Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn – là các giao dịch không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

- Quy định cụ thể các giao dịch cần nhận biết, bao gồm: nộp, rút hoặc chuyển khoản; trừ giao dịch tất toán hoặc rút lãi tiết kiệm, trả nợ thẻ tín dụng, trả nợ khoản cấp tín dụng cho tổ chức tài chính, khoản thanh toán định kỳ đã đăng ký với tổ chức tài chính, giao dịch rút lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu;

- Tăng mức giao dịch trong một ngày lên 400 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng

Khi khách hàng có giao dịch tài chính với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.

- Làm rõ các trò chơi có thưởng bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet; casino; xổ số; đặt cược;

- Tăng mức giao dịch trong một ngày lên 70 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý

Khi khách hàng có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Tăng mức giao dịch trong một ngày lên 400 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ tiền mặt có giá trị tương đương.

  • Đối với các trường hợp nêu trên, thời gian để các đối tượng báo cáo áp dụng bắt đầu từ ngày 01/12/2023. Như vậy, trong khoảng thời gian từ hiện tại đến hết ngày 30/11/2023, đối tượng báo cáo vẫn áp dụng quy định về mức giao dịch trong ngày của khách hàng theo Nghị định 116.
  • Đối với các trường hợp còn lại, các đối tượng báo cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp nhận biết khách hàng như đã quy định tại Nghị định 116.
  • Đối tượng báo cáo là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông đã bị bãi bỏ theo Nghị định 19. Do đó, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ này không phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với cổ đông và người đại diện cho cổ đông đó.

Ngoài ra, Nghị định 19 cũng làm rõ các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp nhằm giúp đối tượng báo cáo có cơ sở hợp lý để giám sát các giao dịch của khách hàng. Trường hợp có nghi ngờ, đối tượng báo cáo sẽ xem xét, phân tích, báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.

Nghị định 19 có hiệu lực kể từ ngày 28/04/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi