THÔNG TƯ 76/2024/TT-BTC: BỔ SUNG THÊM NHIỀU NỘI DUNG PHẢI CÔNG BỐ THÔNG TIN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

THÔNG TƯ 76/2024/TT-BTC: BỔ SUNG THÊM NHIỀU NỘI DUNG PHẢI CÔNG BỐ THÔNG TIN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

2024-12-06 21:32:59 178

Ngày 06/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 76/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (“Thông tư 76”) để thay thế Thông tư 122/2020/TT-BTC (“Thông tư 122”). Theo đó, Thông tư 76 bổ sung một số quy định đáng chú ý như sau:

1. Bổ sung các nội dung mà doanh nghiệp phải công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu

Nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước và giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro có thể phát sinh với nhà đầu tư, Thông tư 76 quy định mẫu Công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu với nhiều nội dung bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn so với Thông tư 112 – buộc doanh nghiệp phải tuân thủ việc công bố trước khi phát hành trái phiếu, cụ thể:

  • Thông tin về kết quả xếp hạng tín nhiệm (gồm cả trường hợp bắt buộc và không bắt buộc phải xếp hạng).
  • Thông tin của các bên liên quan gồm: ngân hàng nơi mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu, tổ chức đại lý quản lý tài sản bảo đảm, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức tư vấn chứng nhận tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh…
  • Địa chỉ liên hệ của doanh nghiệp phát hành để cung cấp các hồ sơ chào bán trái phiếu.
  • Các thông tin về tài chính của doanh nghiệp: gồm vốn đầu tư, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế, tổng số nợ phải trả (gồm cả vay ngân hàng, vay từ phát hành trái phiếu…), khả năng thanh toán, tổng dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, chỉ tiêu sinh lời…
  • Tình hình phát hành và sử dụng vốn đối với các trái phiếu còn dư nợ: gồm tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành, lãi, gốc trái phiếu đã thanh toán…
  • Quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư.
  • Thông tin cụ thể về tài sản bảo đảm: giá trị tài sản bảo đảm/giá trị bảo lãnh, tỷ lệ giá tài sản bảo đảm/tổng giá trị phát hành dự kiến, thông tin chi tiết về hình thức bảo đảm (gồm cả thông tin về tổ chức định giá, cách tính…)
  • Kế hoạch sử dụng tiền thu được: thông tin về chương trình, dự án sử dụng vốn …
  • Các tài liệu kèm theo để minh chứng thông tin công bố là trung thực và chính xác như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính, báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu, tài liệu về tài sản bảo đảm…

2. Bổ sung các nội dung tài chính mà doanh nghiệp phải công bố thông tin định kỳ

Thông tư 76 cũng bổ sung một số nội dung tài chính mà doanh nghiệp phải công bố thông tin định kỳ (so với Thông tư 122) gồm:

  • Tổng số nợ phải trả: gồm nợ vay ngân hàng, nợ vay từ phát hành trái phiếu…;
  • Khả năng thanh toán;
  • Dư nợ trái phiếu đã phát hành/vốn chủ sở hữu;
  • Lợi nhuận ròng;
  • Chỉ tiêu về khả năng sinh lời;
  • Các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn…

Với nhiều nội dung được bổ sung, Thông tư 76 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch hơn cho kênh đầu tư trái phiếu, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm và tạo dựng niềm tin trở lại cho các nhà đầu tư.

Thông tư 76 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2024./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi