THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN

THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN

2022-06-10 15:40:30 957

Câu hỏi: Công ty tôi là công ty cổ phần. Hiện nay, chúng tôi đang muốn mua lại 51% tổng số cổ phần của công ty A. Xin Luật sư tư vấn giúp chúng tôi các điều kiện, trình tự, thủ tục để chúng tôi thực hiện được việc này.

Trả lời:

Cám ơn Anh/chị đã gửi câu hỏi đến công ty Luật TNHH Toàn Cầu ATA. Với câu hỏi của Anh/chị chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khi Công ty cổ phần của Anh/chị có nhu cầu mua lại 51% tổng số cổ phần của Công ty A, Anh/chị lưu ý cần đáp ứng các điều kiện, trình tự, thủ tục về việc chuyển nhượng như sau:

I. Thực hiện thủ tục nội bộ để thông qua giao dịch mua cổ phần của Công ty A

Tùy theo giá trị giao dịch, thẩm quyền quyết định có thể thuộc về ĐHĐCĐ hoặc HĐQT công ty của anh/chị. Theo đó, ĐHĐCĐ/HĐQT của công ty anh/chị cần họp để thông qua Nghị quyết về việc triển khai giao dịch mua 51% cổ phần của Công ty A trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp.

Trong trường hợp công ty cổ phần của anh/chị là công ty đại chúng, Nghị quyết triển khai giao dịch mua cổ phần Công ty A sẽ phải công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán.

II. Thực hiện các thủ tục liên quan để tiến hành giao dịch mua cổ phần của Công ty A

1. Với trường hợp Công ty A là công ty đại chúng, trước khi mua cổ phần, anh/chị cần nghiên cứu và xin tham vấn của luật sư để đảm bảo các trình tự, thủ tục trong việc chào mua công khai và/hoặc công bố thông tin (nếu có) về giao dịch theo đúng quy định. Việc này sẽ tránh cho Công ty của anh/chị nguy cơ về việc bị phạt/hủy giao dịch theo quy định của pháp luật chứng khoán (với mức phạt cao nhất đến 300 triệu đồng cho hành vi không đăng ký chào mua công khai và mức phạt cao nhất đến 1,5 tỷ đồng cho hành vi vi phạm về công bố thông tin).

2. Với trường hợp Công ty A là công ty cổ phần thông thường, sẽ có 2 trường hợp: 1- cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được thành lập; 2- cổ phần của cổ đông sáng lập sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được thành lập và cổ phần của cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập.

Ở trường hợp 1, khi mua bán cổ phần cần tuân thủ điều kiện tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp: cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Theo đó, trong trường hợp này, trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty A, nếu trước đó công ty của các anh, chị không phải là cổ đông sáng lập của Công ty A, anh/chị cần yêu cầu bên chuyển nhượng thực hiện thủ tục xin ý kiến chấp thuận của ĐHĐCĐ Công ty A đối với giao dịch chuyển nhượng/ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Chỉ khi được ĐHĐCĐ Công ty A thông qua với tỷ lệ biểu quyết trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (đã loại phần phiếu của cổ đông thực hiện chuyển nhượng) thì giao dịch này mới có thể thực hiện.

Giao dịch chuyển nhượng sau đó được thực hiện như trường hợp 2 dưới đây.

Ở trường hợp 2, việc mua bán cổ phần chỉ cần tuân thủ theo các quy định của Công ty A và pháp luật hiện hành. Theo đó, về nguyên tắc, giao dịch chuyển nhượng cổ phần sẽ cần đáp ứng các trình tự, thủ tục như sau:

* Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần

  • Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần (thường được xây dựng theo mẫu của công ty);
  • Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (Bản gốc);
  • Biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (Bản gốc);
  • Giấy chứng nhận cổ phần của các cổ đông công ty (Bản gốc);
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy phép thành lập của công ty - Bên nhận chuyển nhượng cổ phần (Bản sao);
  • Điều lệ của công ty - Bên nhận chuyển nhượng cổ phần (Bản sao);
  • Chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân (Nếu bên chuyển nhượng là cá nhân).

* Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

  • Bên chuyển nhượng cổ phần hoặc các bên liên quan nộp hồ sơ tại bộ phận quản lý cổ đông của Công ty A;
  • Công ty A xem xét hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho bên nộp hồ sơ;
  • Công ty A tiến hành thủ tục thay đổi thông tin của cổ đông tại Sổ đăng ký cổ đông của công ty và cấp mới Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho cổ đông mới.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA. Nếu Quý Anh/chị còn bất gì điều gì băn khoăn, hãy liên hệ với Công ty chúng tôi qua số điện thoại, email hoặc trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi