THỰC PHẨM CHỨC NĂNG NHẬP KHẨU PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN GMP HOẶC XÁC NHẬN ĐÁP ỨNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NƯỚC XUẤT KHẨU

THỰC PHẨM CHỨC NĂNG NHẬP KHẨU PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN GMP HOẶC XÁC NHẬN ĐÁP ỨNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NƯỚC XUẤT KHẨU

2023-09-29 20:13:21 1345

Trước đây, Thông tư 18/2019/TT-BYT cho phép, trường hợp thực phẩm bảo vệ sức khoẻ do các cơ sở sản xuất không được cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu cấp giấy chứng nhận hoặc xác nhận về việc đáp ứng đạt yêu cầu GMP thì Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia để xem xét, xác định tính phù hợp với yêu cầu trên cơ sở thông tin trong hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở cho việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, ngày 25/09/2023, Bộ Y tế đã hành Thông tư số 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do bộ y tế ban hành (“Thông tư 17”), trong đó bắt buộc tất cả các trường hợp thực phẩm chức năng chỉ được nhập khẩu khi được cấp giấy chứng nhận GMP hoặc xác nhận đáp ứng quy định pháp luật tại nước xuất khẩu.

Cụ thể, Thông tư 17 quy định, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định, thừa nhận hoặc cơ quan, tổ chức của nước khác được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất thừa nhận cấp một trong các giấy chứng nhận có dạng sản phẩm phù hợp với dạng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu như sau:

  1. Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
  2. Giấy chứng nhận hoặc đánh giá đáp ứng thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với cơ sở sản xuất thuốc hoặc thực phẩm;
  3. Đối với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không cấp các giấy chứng nhận quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này thì tổ chức, cá nhân nộp giấy chứng nhận, trong đó có một trong các nội dung sau:
    • Phù hợp với tiêu chuẩn Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP - Hazard Analysis and Critical Control Point);
    • Phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22000 (International Organization for Standardization 22000);
    • Phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS - International Food Standard);
    • Phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC - British Retailer Consortium);
    • Phù hợp với tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000 - Food Safety System Certification 22000).
  4. Đối với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không cấp các giấy chứng nhận quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều này thì phải được cấp giấy chứng nhận hoặc xác nhận bằng văn bản trong đó có nội dung cơ sở sản xuất đáp ứng quy định pháp luật tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.

Theo đánh giá của chúng tôi, quy định này mang tính chặt chẽ hơn và đảm bảo tính khách quan trong việc xem xét điều kiện và chấp thuận hồ sơ cho phép nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi và sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Thông tư 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2023.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi