TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GÂY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CÓ NGHĨA VỤ CHI TRẢ KINH PHÍ BỒI THƯỜNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRONG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM DO MÌNH GÂY RA

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GÂY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CÓ NGHĨA VỤ CHI TRẢ KINH PHÍ BỒI THƯỜNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRONG KHU VỰC BỊ Ô NHIỄM DO MÌNH GÂY RA

2024-07-19 19:38:46 673

Ngày 15/07/2024, Chính phủ ban hành Nghị định thứ hai hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 - Nghị định 88/2024/NĐ-CP (“Nghị định 88”) quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thay thế cho Nghị định 47/2014/NĐ-CP (“Nghị định 47”), có thể thấy rằng Chính phủ đã ưu tiên ban hành các nghị định hướng dẫn những vấn đề “nóng” nhất về đất đai. Về tổng quan, những nội dung cơ bản của Nghị định 88 là sự kế thừa các quy định trước đây của Nghị định 47 và có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với một số nội dung mới của Luật Đất đai 2024; theo đó Nghị định 88 quy định những nội dung chính như sau:

1. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư  (" Phương Án Bồi Thường") phải xác định chi tiết nội dung  bồi thường đến từng người bị thu hồi đất cụ thể 

Trước đây, Nghị định 47 hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng và chi tiết về nội dung của Phương Án Bồi Thường nên trong một số trường hợp quyền lợi của người có đất/tài sản bị thu hồi chưa thực sự được bảo đảm rõ ràng. Nghị định 88 khắc phục vướng mắc trên theo hướng quy định nội dung của Phương Án Bồi Thường phải là sự tổng hợp của các Phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng người có đất/tài sản bị thu hồi; trong đó phải xác định rõ số định danh cá nhân và số điện thoại của từng người có đất bị thu hồi, vị trí diện tích, tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư (nếu có), số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai (nếu có).

Ngoài ra, Nghị định 88 cũng quy định rõ thời hạn tối đa để thẩm định Phương Án Bồi Thường là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Đồng thời, nhằm tăng tính phân quyền, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; Nghị định 88 yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền lập, thẩm định, quyết định phê duyệt Phương Án Bồi Thường chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khác chấp thuận, quyết định hoặc giải quyết trước đó.

2. Bổ sung một số quy định cụ thể để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi

2.1 Cụ thể hóa chính sách ưu tiên dành cho đối tượng sử dụng đất ở thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn

Luật Đất đai 2024 quy định một số nội dung ưu tiên dành cho đối tượng sử dụng đất thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Cụ thể hóa các quy định trên, Nghị định 88 dành riêng một điều khoản với những chính sách ưu tiên khi Nhà nước Bồi thường về đất cho các đối tượng đang sử dụng đất ở thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó

+ Đối với diện tích đất đã xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống lớn hơn diện tích đất ở được công nhận quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất ở theo diện tích đất thực tế xây dựng nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống đó.

+ Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất ở đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi.

+ Trường hợp thu hồi diện tích đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì bồi thường theo diện tích thực tế đã sử dụng bị thu hồi; loại đất tính bồi thường được áp dụng như đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.

2.2 Vẫn tiến hành bồi thường về đất cho một số chủ thể từng có vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai hoặc giấy tờ về đất không phù hợp thực tiễn

Nghị định 88 quy định bổ sung một số trường hợp và chủ thể sau đây vẫn có quyền được nhận bồi thường về đất nếu đáp ứng đủ điều kiện:

+ Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà đã sử dụng đất ổn định, thuộc các trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

+ Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì bồi thường theo loại đất sau khi được xác định lại theo quy định.

Theo đó, Nghị định 88 hướng đến việc bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi và góp phần tháo gỡ vướng mắc phát sinh về đất đai do các yếu tố về lịch sử để lại.

2.3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Trước đây, Nghị định 47 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ quyết định Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, để đảm bảo các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư “sát” với thực tế tại địa phương nhất, Nghị định 88 quy định trong trường hợp này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với từng dự án và điều kiện thực tế của địa phương (chính sách đặc thù tại đây có thể hiểu là những ưu đãi cao hơn, những điều kiện thuận lợi hơn cho người có đất bị thu hồi so với quy định của pháp luật). Tuy nhiên, Nghị định 88 chưa quy định cụ thể những nội dung hoặc phạm vi chính sách đặc thù mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định.

2.4. Hướng dẫn cụ thể cơ chế bồi thường bằng đất khác so với loại đất Nhà nước thu hồi

Hướng dẫn các quy định của Luật Đất đai 2024, Nghị định 88 cho phép bồi thường bằng tiền hoặc bằng đất ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng đất khác trong trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi hết đất ở (hoặc phần diện tích đất ở còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định) mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi.

Ngoài ra, Nghị định 88 quy định rõ giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

3. Tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường có nghĩa vụ chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong khu vực bị ô nhiễm do mình gây ra

Luật Đất đai 2024 bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng. Theo đó, Nghị định 88 quy định kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp này sẽ do Ngân sách nhà nước chi trả trong trường hợp nguyên nhân gây nguy cơ đe dọa xuất phát từ thiên tai; nếu nguyên nhân gây nguy cơ đe dọa do tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường thì tổ chức cá nhân đó phải chi trả kinh phí.

4. Bãi bỏ giới hạn chung về Chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Nghị định 47 giới hạn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án; quy định này trên thực tiễn đã tạo ra nhiều khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (do không phản ánh đúng điều kiện thực tế của mỗi địa phương).

Thay vào đó, Nghị định 88 trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương mình (căn cứ tình hình thực tế tại địa phương); trường hợp địa phương chưa quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (áp dụng cho từng dự án).

Như vậy, Nghị định 88 tạo ra cơ chế thông thoáng hơn và linh hoạt hơn cho phép tính toán phù hợp hơn về chi phí tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng để việc tổ chức triển khai được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về việc đảm bảo mọi chi phí phải được tính toán hợp lý để tránh xảy ra hiện tượng thất thoát, tiêu cực.

Nghị định 88 có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2024./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi