Luật các tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ áp dụng chung cho các tổ chức tín dụng và Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/05/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại (“Thông tư 13”).
Mới đây, ngày 20/11/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 14/2023/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (“Thông tư 14”). Trên cơ sở đánh giá của ATA, về cơ bản các quy định của Thông tư 14 đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng (“TCTDPNH”) đơn giản hơn so với các quy định đối với các Ngân hàng thương mại theo Thông tư 13.
Dưới đây, ATA sẽ tổng hợp, phân tích một số nội dung đáng chú ý của Thông tư 14 như sau:
1. TCTDPNH phải xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ của đảm bảo chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả rủi ro
- Về mặt nguyên tắc tổ chức, tương tự như đối với ngân hàng thương mại, Thông tư 14 yêu cầu hệ thống kiểm soát nội bộ của TCTDPNH phải có 03 tuyến bảo vệ độc lập gồm:
+ Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do cả bộ phận tạo doanh thu, bộ phận kiểm soát rủi ro và bộ phận quản lý nhân sự, kế toán thực hiện.
+ Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng các nội dung liên quan đến quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do bộ phận tuân thủ và bộ phận quản lý rủi ro thực hiện.
+ Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện.
2. Cơ cấu tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ của TCTCPNH: bao gồm các đơn vị được tổ chức một cách độc lập và mang tính cân bằng quyền lực giữa 3 khối quản trị - điều hành – kiểm soát:
+ Uỷ ban quản lý rủi ro, Uỷ ban nhân sự và các uỷ ban khác (nếu cần) trực thuộc HĐQT;
+ Bộ phận tuân thủ, bộ phận quản lý rủi ro thuộc Ban Tổng Giám đốc/Giám đốc; và
+ Bộ phận kiểm toán nội bộ thuộc Ban Kiểm soát.
So với ngân hàng thương mại, cơ cấu tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ của TCTDPNH đơn giản hơn khi không yêu cầu thành lập các hội đồng: Hội đồng rủi ro, Hội đồng quản lý vốn, Hội đồng quản lý tài sản/nợ phải trả (Hội đồng ALCO).
3. Phạm vi và đối tượng của hoạt động kiểm soát nội bộ tại TCTDPNH
Thông tư 13 hướng dẫn việc xây dựng và triển khai hoạt động kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, theo đó sẽ tập trung vào: (i) công tác kiểm soát hoạt động cấp tín dụng và hoạt động tự doanh; và (ii) công tác quản trị rủi ro: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro tập trung.
Trong khi đó, phạm vi và đối tượng của hoạt động kiểm soát nội bộ tại TCTDPNH được yêu cầu đơn giản hơn, tập trung chủ yếu vào công tác kiểm soát hoạt động cấp tín dụng và quản trị rủi ro: rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động.
4. Chế độ báo cáo về hoạt động kiểm soát nội bộ của TCTDPNH
Bên cạnh việc yêu cầu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, duy trì cơ cấu tổ chức và triển khai công tác kiểm soát nội bộ tại đơn vị, Thông tư 14 còn yêu cầu TCTDPNH phải lập và nộp báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ đến Ngân hàng Nhà nước theo lịch trình như sau:
a) Báo cáo hàng năm về kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro: được nộp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
b) Báo cáo hàng năm về kiểm toán nội bộ: được nộp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính
c) Báo cáo đột xuất về kiểm toán nội bộ: được nộp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ đột xuất.
Trong đó, báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ phải cập nhật các tồn tại, hạn chế, rủi ro phát sinh (nếu có) trong toàn bộ TCTDPNH (bao gồm các bộ phận tại trụ sở chính; chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác).
Thông tư 14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2024./.
Bình luận: