TP. HÀ NỘI THÔNG QUA ĐỀ ÁN VỚI NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CHO TỔ CHỨC KINH TẾ TẬP THỂ VÀ HỢP TÁC XÃ

TP. HÀ NỘI THÔNG QUA ĐỀ ÁN VỚI NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CHO TỔ CHỨC KINH TẾ TẬP THỂ VÀ HỢP TÁC XÃ

2023-09-15 18:53:22 1501

Trên cơ sở các chủ trương, chiến lược hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 và Quyết định 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021, ngày 05/09/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND (“Quyết định 4381”) về Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội (“Đề Án”). Với mục tiêu đến 2030, Tp. Hà Nội sẽ có 3000 Hợp tác xã, trong đó 70% có hoạt động tốt và khá, Đề Án đã đưa ra nhiều giải pháp đáng chú ý đối với các thành viên, người lao động làm việc trong các tổ chức kinh tế tập thể (“KTTT”) và hợp tác xã (“HTX”), bao gồm các giải pháp hỗ trợ từ việc thành lập, xây dựng cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực nhân sự cho đến nguồn vốn và phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ.

Dưới đây, ATA Legal Services sẽ tóm tắt một số giải pháp chủ yếu được Đề Án dành cho KTTT và HTX trên địa bàn Hà Nội như sau:

1. Hỗ trợ nâng cao năng lực, hiểu biết cho khu vực KTTT

a. Đối tượng hỗ trợ: thành viên, người lao động của tổ chức KTTT.

b. Hỗ trợ về đào tạo:

  • Học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo: Chi trả 100%;
  •  Kinh phí ăn ở của học viên: ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/1 khóa đào tạo. Trường hợp khóa đào tạo có thời gian dưới 01 tháng thì thực hiện hỗ trợ theo số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo (26 ngày/01 tháng).

c. Hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực:

- Kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập: Chi trả 100%;

- Chi phí ăn ở của học viên:

  • Nếu tổ chức KTTT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: hỗ trợ 90%;
  • Nếu tổ chức KTTT hoạt động trong lĩnh vực khác: 80%.

- Đối với lao động trở về làm việc tại tổ chức KTTT: Ngân sách hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/người, tối đa 02 người/tổ chức KTTT/năm.

2. Hỗ trợ củng cố tổ chức KTTT, HTX

- Đối tượng được hỗ trợ: HTX, Liên hiệp HTX trong các ngành, lĩnh vực đang hoạt động, hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhu cầu phát triển mở rộng; HTX, Liên hiệp HTX được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách; tổ chức KTTT, HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân chưa chuyển đổi số.

- Hỗ trợ phổ biến, tập huấn về pháp luật; tư vấn xây dựng và sửa đổi các quy chế hoạt động nội bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, điều hành.

- Hỗ trợ công tác chuyển đổi số tại các HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân.

3. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Các tổ chức KTTT, HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản phẩm xanh, OCOP được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hoặc tham gia các sự kiện nâng cao thương hiệu và quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, UBND tp. Hà Nội sẽ hỗ trợ việc thiết lập ra các sân chơi chung để giới thiệu và bán các sản phẩm của tổ chức KTTT, HTX, như:

  • Xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại và hỗ trợ kinh phí vận hành trung tâm trong 03 năm đầu; hay
  • Định kỳ tổ chức các hội chợ, hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa HTX và doanh nghiệp cho từng nhóm sản phẩm theo ngành, lĩnh vực.

4. Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh

  • Các ngân hàng, quỹ và các tổ chức tín dụng khác thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với HTX và thành viên HTX vay vốn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
  • Thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn hoạt động cho KTTT, HTX và cấp bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách Thành phố cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Quyết định 4381 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi