TRÚNG THẦU NHƯNG KHÔNG KÝ HỢP ĐỒNG SẼ BỊ ĐĂNG TẢI TRÊN TRANG ĐẤU THẦU QUỐC GIA VÀ PHẢI BẢO ĐẢM DỰ THẦU GẤP 3 LẦN

TRÚNG THẦU NHƯNG KHÔNG KÝ HỢP ĐỒNG SẼ BỊ ĐĂNG TẢI TRÊN TRANG ĐẤU THẦU QUỐC GIA VÀ PHẢI BẢO ĐẢM DỰ THẦU GẤP 3 LẦN

2024-03-08 21:50:03 2720

Nhằm đảm bảo các hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu được thực hiện trong khuôn khổ phù hợp với Luật Đấu thầu 2023, ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (“Nghị định 24”).  Nghị định 24 có những nội dung đáng chú ý như sau:

1. Hướng dẫn chi tiết về yêu cầu độc lập của nhà thầu đối với từng gói thầu

a. Quy định chi tiết những đối tượng mà nhà thầu phải độc lập về tài chính và pháp lý khi tham dự thầu (bên cạnh chủ đầu tư và bên mời thầu).

Cụ thể, Nghị định 24 hướng dẫn cho những trường hợp dự thầu các gói thầu dưới đây:

  • Gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn, PC;
  • Gói thầu dịch vụ tư vấn;
  • Gói thầu EPC, EP, EC;
  • Gói thầu chìa khóa trao tay.

b. Quy định rõ về các cơ sở để xác định tính độc lập pháp lý và tài chính của các bên, cụ thể:

  • Tỷ lệ cổ phần, vốn góp giữa các bên được xác định tại thời điểm đóng thầu và theo tỷ lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập, các giấy tờ khác có giá trị tương đương.
  • Tỷ lệ sở hữu vốn của các tổ chức, cá nhân trong liên danh là tổng giá trị của tất cả tích số giữa tỷ lệ sở hữu vốn của tổ chức, cá nhân trong các thành viên nhân với tỷ lệ % khối lượng công việc của các thành viên tương ứng trong liên danh.

c. Một số trường hợp ngoại lệ:

  • Công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được tham dự gói thầu của nhau nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu đó thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng một cơ quan trực tiếp quản lý, góp vốn khi tham dự thầu các gói thầu của nhau không phải đáp ứng quy định độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu.

2. Quy định chi tiết các vấn đề ưu đãi cho nhà thầu khi tham gia dự thầu

2.1. Về tổng quan, Nghị định 24 quy định bổ sung nhiều trường hợp hàng hoá được hưởng ưu đãi khi tham gia dự thầu, trong đó đặc biệt khuyến khích những hàng hoá dưới đây:

  • Hàng hoá có xuất xứ, nguồn gốc Việt Nam: không yêu cầu phải đạt tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước trên giá hàng hoá từ 25% trở lên như quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước đây;
  • Hàng hoá của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;
  • Hàng hoá được chứng nhận nhãn sinh thái, nhãn năng lượng và tương đương.

2.2. Nhà thầu chỉ được hưởng một loại ưu đãi có lợi nhất khi tham dự đấu thầu

Luật Đấu thầu 2023 quy định nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi và nhiều hình thức ưu đãi trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, Nghị định 24 quy định nguyên tắc nhà thầu tham dự thầu thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi trong đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc trong đánh giá về tài chính thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi có lợi nhất cho nhà thầu tương ứng với từng nội dung đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc đánh giá về tài chính; đồng thời, trường hợp tất cả các nhà thầu tham dự thầu đều được hưởng ưu đãi như nhau thì không cần tính ưu đãi để so sánh, xếp hạng.

2.3. Điều kiện sản phẩm đổi mới sáng tạo xuất xứ Việt Nam phải đáp ứng để được hưởng ưu đãi khi tham dự đấu thầu

Nghị định 24 quy định các sản phẩm đổi mới sáng tạo xuất xứ Việt Nam phải đáp ứng để được hưởng ưu đãi khi tham dự đấu thầu là một trong các điều kiện sau:

  • Sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển hoặc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
  • Sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
  • Sản phẩm được tạo ra trên cơ sở sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng của chính nhà thầu được cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn không quá 05 năm kể từ ngày được cấp;
  • Sản phẩm chip bán dẫn;
  • Sản phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ;
  • Sản phẩm mới tạo ra từ kết quả nghiên cứu và phát triển tại một trong các cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia;
  • Sản phẩm mới tạo ra từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nghị định 24 cũng quy định sản phẩm đổi mới sáng tạo chỉ được hưởng ưu đãi trong thời hạn 06 năm kể từ lần đầu được sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường.

2.4. Ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đấu thầu bền vững

a. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước khi chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đó theo quy định này không phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số năm hoạt động trong cùng ngành nghề trong thời hạn 06 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường.

b. Đối với nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Nhà thầu trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu thì được hưởng ưu đãi:

  • Không phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số năm hoạt động trong cùng ngành nghề trong thời hạn 05 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường;
  • Đối với các công nghệ chuyển giao thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định,thì không phải đáp ứng yêu cầu về xác nhận vận hành thành công, thời gian sản phẩm đã được sử dụng đảm bảo yêu cầu chất lượng được người sử dụng xác nhận.

Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu thì được hưởng ưu đãi:

  • Không phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số năm hoạt động trong cùng ngành nghề với gói thầu đang xét khi nhà thầu chào thầu hàng hóa mà chủng loại hàng hóa này lần đầu được nhà thầu sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường trong thời gian 05 năm trước thời điểm đóng thầu. Nhà thầu được hưởng ưu đãi này kể từ khi nhà thầu được thành lập nhưng không quá 07 năm tính đến thời điểm đóng thầu;

c. Đối với đấu thầu bền vững

Nghị định 24 cho phép chủ đầu tư được chủ đầu tư được quy định các yêu cầu về đấu thầu bền vững trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Nhà thầu chào giải pháp, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu về đấu thầu bền vững được tiếp tục xem xét, đánh giá.

3. Nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trong việc ký kết hợp đồng và triển khai gói thầu

Để nâng cao trách nhiệm của nhà thầu, Nghị định 24 đưa ra quy định việc nhà thầu bị đáng giá về uy tín trong việc tham dự thầu khi thực hiện các hành vi như:

  • Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
  • Nhà thầu đã đối chiếu tài liệu, thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoặc không ký kết biên bản thương thảo hợp đồng;
  • Nhà thầu được lựa chọn trúng thầu nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung hoặc không ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung;
  • Nhà thầu đã ký thỏa thuận khung nhưng không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng hoặc không ký kết hợp đồng.

Những nhà thầu có hành vi trên sẽ bị đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu với giá trị gấp 03 lần giá trị yêu cầu đối với nhà thầu khác trong thời hạn 02 năm kể từ lần cuối cùng thực hiện các hành vi trên.

Ngoài ra, Nghị định 24 yêu cầu Chủ đầu tư hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm trong mua sắm tập trung có trách nhiệm công khai kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc đăng tải thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng áp dụng cho mỗi hợp đồng và trên cơ sở phạm vi công việc thuộc hợp đồng mà nhà thầu thực hiện. Thời gian đăng tải có thể trong hoặc sau thời gian thực hiện gói thầu nhưng không muộn hơn 06 tháng kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện gói thầu. Thông tin này cũng được đưa vào tiêu chí để đánh giá nhà thầu.

Những quy định này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trong công tác ký kết hợp đồng và triển khai gói thầu.

4. Quy định chi tiết tiêu chí đánh giá nhà thầu

Trước đây, quy trình thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo các loại hình đấu thầu đã được quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP (“Nghị định 63”). Trên khía cạnh tổng quan, Nghị định 24 cơ bản giữ nguyên các quy trình thực hiện đã được quy định tại Nghị định 63. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Nghị định 63 không quy định chi tiết các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá nhà thầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá mà trao quyền quy định các tiêu chuẩn đánh giá này cho bên mời thầu và được thể hiện hồ sơ mời thầu. Quy định này dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều vướng mắc, thậm chí đã xảy ra các hành vi tiêu cực và sai phạm trên thực tiễn. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Nghị định 24 quy định cụ thể các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá.

Một số tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu được đề cập tại Nghị định 24 như sau:

a. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

  • Kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng thầu tương tự;
  • Năng lực tài chính gồm giá trị tài sản ròng, doanh thu;
  • Việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế;
  • Năng lực chuyên môn của cán bộ chủ chốt;
  • Thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu;

b. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật:

  • Chất lượng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ;
  • Tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ; tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;
  • Khả năng thích ứng về mặt địa lý, môi trường; tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;
  • Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian giao hàng, đào tạo chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ sau bán hàng; tiến độ cung cấp hàng hóa; yếu tố thân thiện môi trường;

Ngoài các vấn đề nổi bật trên, Nghị định 24 cũng quy định cụ thể các vấn đề về quy trình thực hiện các công việc quan trọng khác của Luật Đấu thầu 2023 như chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, mua sắm thuốc.

Nghị định 24 có hiệu lực kể từ ngày 27/02/2024./.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi