TỪ 01/01/2024, CÔNG TY ĐA QUỐC GIA CÓ THỂ PHẢI NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BỔ SUNG NẾU ĐANG HƯỞNG THUẾ SUẤT DƯỚI 15%

TỪ 01/01/2024, CÔNG TY ĐA QUỐC GIA CÓ THỂ PHẢI NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BỔ SUNG NẾU ĐANG HƯỞNG THUẾ SUẤT DƯỚI 15%

2023-12-28 19:43:04 1800

Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 (“Nghị quyết 107”) về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) bổ sung theo Quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (sau đây gọi là “Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu”). Các quy định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu có tác động sâu rộng tới doanh nghiệp, đặc biệt là các FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nghị quyết 107 được ban hành là bước đầu cho sự công nhận và áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, tạo tiền đề cho việc ban hành các Nghị định hướng dẫn về vấn đề này trong thời gian sắp tới. Nghị quyết 107 có những nội dung trọng yếu sau:

1. Đối tượng nộp thuế TNDN bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu

1.1. Đối tượng nộp thuế TNDN bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu là các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

  • Đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam gồm các công ty con, công ty liên kết, chi nhánh, cơ sở kinh doanh... của các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam đáp ứng điều kiện:
  • Có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên;
  • Đang được áp dụng mức thuế suất thấp hơn thuế suất tối thiểu toàn cầu.
  • Công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành tại nước ngoài mà đơn vị này đang chịu thuế thấp hơn thuế suất tối thiểu toàn cầu và chưa nộp thuế TNDN bổ sung ở nước đó.

1.2. Các tổ chức không thuộc đối tượng áp dụng thuế TNDN tối thiểu toàn cầu:

  • Tổ chức của Chính phủ;
  • Tổ chức quốc tế;
  • Tổ chức phi lợi nhuận;
  • Quỹ hưu trí;
  • Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao;
  • Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao;
  • Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định ở trên.

2. Phương pháp xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT)

a. Đối tượng áp dụng: Đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

b. Phương pháp xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung QDMTT:

Số thuế = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).

  • Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu – Thuế suất thực tế tại Việt Nam.

         Thuế suất tối thiểu là 15%

Thuế suất thực tế tại Việt Nam = Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đã được điều chỉnh trong năm tài chính của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam / Thu nhập ròng tại Việt Nam trong năm tài chính theo Quy định

  • Lợi nhuận tính thuế bổ sung = thu nhập ròng theo Quy định - Giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ theo Quy định.

Giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ sau giai đoạn chuyển tiếp là 5% tổng giá trị tài sản hữu hình trung bình hằng năm của tất cả các đơn vị hợp thành tại Việt Nam và 5% tổng tiền lương của tất cả các đơn vị hợp thành tại Việt Nam. Tỷ lệ giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ cho từng năm trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2024 đến 2032 dao động giảm dần để đạt mức tiệm cận tỷ lệ 5% áp dụng cho năm tài chính 2033, chi tiết theo phụ lục đính kèm Nghị quyết.

3. Các trường hợp số thuế TNDN bổ sung QDMTT được xác định bằng 0:

Số thuế TNDN bổ sung QDMTT sẽ được xác định bằng 0 nếu đơn vị hợp thành hoặc tập hợp đơn vị hợp thành đáp ứng điều kiện:

- Doanh thu bình quân theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam dưới 10 triệu EUR;

- Thu nhập bình quân theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam dưới 01 triệu EUR hoặc lỗ.

Ví dụ về phương pháp xác định thuế TNDN bổ sung QDMTT

Tập đoàn Y – doanh nghiệp của nước Z thành lập công ty con 100% vốn YA tại Việt Nam. Do được hưởng ưu đãi nên thuế suất thuế TNDN hiện tại của Công ty YA là 12%. Năm 2022 và 2023, Tập đoàn Y đều đạt doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR. Năm 2024, Công ty YA bị lỗ nhưng vẫn có doanh thu trên 10 triệu EUR.

Như vậy, Công ty YA sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung QDMTT tại Việt Nam cho năm tài chính 2024. Số thuế bổ sung sẽ được xác định như sau:

Số thuế bổ sung = (Tỷ lệ thuế bổ sung [15% - 12%] x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).

4. Phương pháp xác định thuế TNDN bổ sung tại nước khác

a. Đối tượng áp dụng:

Công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài mà đơn vị hợp thành đó chưa nộp thuế bổ sung ở nước khác.

b. Phương pháp xác định thuế TNDN bổ sung tại một nước

+ Tổng số thuế bổ sung tại một nước được xác định theo công thức sau đây:

Tổng số thuế bổ sung = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có) - Số thuế bổ sung QDMTT (nếu có).

+ Số thuế bổ sung của mỗi đơn vị hợp thành tại một nước có thu nhập theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được xác định theo công thức sau đây:

Số thuế bổ sung của đơn vị hợp thành = Tổng số thuế bổ sung tại một nước x (Thu nhập theo Quy định của đơn vị hợp thành đó/ Tổng thu nhập theo Quy định của tất cả các đơn vị hợp thành tại nước đó)

+ Số thuế phân bổ cho công ty mẹ từ số thuế bổ sung của đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp được xác định theo công thức sau:

Số thuế phân bổ cho công ty mẹ = số thuế bổ sung của đơn vị hợp thành (x) tỷ lệ phân bổ cho công ty mẹ.

Trong đó:

Tỷ lệ phân bổ cho công ty mẹ = (Thu nhập theo Quy định của đơn vị hợp thành trong năm - Thu nhập phân bổ theo quyền sở hữu do các chủ sở hữu khác nắm giữ) / Thu nhập theo Quy định của đơn vị hợp thành

c. Các trường hợp số thuế TNDN bổ sung tại một nước được xác định bằng 0:

Số thuế bổ sung tại một nước sẽ được xác định bằng 0 nếu đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

- Doanh thu bình quân theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại nước đó dưới 10 triệu EUR;

- Thu nhập bình quân theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại nước đó dưới 01 triệu EUR hoặc lỗ.

Ví dụ về phương pháp xác định thuế TNDN bổ sung tại một nước:

Tập đoàn A – doanh nghiệp của Việt Nam thành lập công ty con 100% vốn AB và công ty con 51% vốn AC tại nước Z và thành lập công ty liên kết 25% vốn AD tại nước Y. Theo đó, năm tài chính 2022 và 2023, Tập đoàn A đều đạt doanh thu trên 750 triệu EUR.

Tại nước Z, công ty AB và AC hưởng thuế suất thuế TNDN 10% và đồng thời nước Z không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Năm 2024, cả 2 công ty AB, AC đều đạt thu nhập trên 01 triệu EUR.

Tại nước Y, công ty AD hưởng thuế suất thuế TNDN 12% và năm 2024 cũng có lãi với mức trên 01 triệu EUR. Nước Y áp dụng quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và công ty AD đã nộp thuế TNDN bổ sung theo quy định tại nước Y.

Như vậy, Tập đoàn A sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam cho năm tài chính 2024 và sẽ được xác định bằng tổng số thuế bổ sung của Công ty AB và Công ty AC tại nước Z. Trong đó:

+ Tổng số thuế bổ sung của Tập đoàn A tại Công ty AB = (Tỷ lệ thuế bổ sung [15%-10%] x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) * Tỷ lệ phân bổ  cho công ty mẹ [100%]

+ Tổng số thuế bổ sung của Tập đoàn A tại Công ty AB = (Tỷ lệ thuế bổ sung [15%-10%] x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) * Tỷ lệ phân bổ  cho công ty mẹ [50%]

4. Giảm trừ trách nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp

4.1. Giai đoạn chuyển tiếp được xác định từ 01/01/2024, áp dụng cho năm tài chính 2024 cho đến hết năm tài chính 2032.

4.2. Việc giảm trừ trách nhiệm được áp dụng cho các năm tài chính có thời hạn kết thúc trước và tại ngày 30/06/2028.

4.2. Chi tiết về việc giảm trừ trách nhiệm:

- Số thuế bổ sung tại một quốc gia cho năm tài chính sẽ được coi là bằng 0 khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

+ Trong năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia có Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đạt chuẩn mà tổng doanh thu dưới 10 triệu EUR và lợi nhuận trước thuế thu nhập dưới 01 triệu EUR hoặc lỗ tại quốc gia đó;

+ Trong năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia có thuế suất thực tế trong quốc gia đó tối thiểu bằng 15% cho năm 2023 và năm 2024; 16% cho năm 2025 và 17% cho năm 2026;

+ Lợi nhuận (hoặc lỗ) trước thuế thu nhập của tập đoàn đa quốc gia tại quốc gia đó bằng hoặc thấp hơn khoản giảm trừ thu nhập gắn với tài sản hữu hình và lao động đối với các đơn vị hợp thành cư trú tại quốc gia đó theo Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia;

- Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi vi phạm về khai và nộp Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.

Nghị quyết 107 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi