TỪ 01/01/2025, KHÁCH HÀNG CHỈ ĐƯỢC RÚT TIỀN MẶT TỪ THẺ TÍN DỤNG TRONG HẠN MỨC 100 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

TỪ 01/01/2025, KHÁCH HÀNG CHỈ ĐƯỢC RÚT TIỀN MẶT TỪ THẺ TÍN DỤNG TRONG HẠN MỨC 100 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

2024-07-12 20:01:09 340

Trên cơ sở triển khai thi hành Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 và Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động thẻ ngân hàng và hoạt động thanh toán, ngày 28/06/2024, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (“Thông tư 18”). Nhìn chung, Thông tư 18 chủ yếu bổ sung các quy định mới nhằm tăng cường các biện pháp của các tổ chức trong việc đảm bảo an toàn trong giao dịch thẻ sau khi triển khai việc nhận diện sinh trắc học đối với các giao dịch thanh toán trên các nền tảng ứng dụng ngân hàng.

Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư 18 đã được ATA Legal Services cập nhật như sau:

1. Chỉ được rút tiền mặt từ thẻ tín dụng không quá 100 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2025

Nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt và cũng là tăng cường quản lý rủi ro trong thực tiễn sử dụng thẻ ngân hàng, Thông tư 18 đã bổ sung quy định về hạn mức rút tiền từ thẻ tín dụng và hạn mức giao dịch bằng thẻ trả trước như sau:

  • Đối với thẻ tín dụng: tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng tối đa là 100 triệu đồng trong 01 tháng (Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025);
  • Đối với thẻ trả trước: tổng hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch rút tiền mặt, giao dịch chuyển khoản, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 triệu đồng trong 01 tháng.

2. Thẻ ngân hàng phải khớp dữ liệu sinh trắc học của chủ thẻ mới được phát hành thẻ/ thanh toán điện tử

Để tăng cường tính an toàn và xác thực trong việc phát hành và giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử, Thông tư 18 đã bổ sung quy định mới trong việc phát hành thẻ và sử dụng thẻ để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tổ chức phát hành thẻ (“TCPHT”) phải thực hiện việc khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ thẻ (đối với cá nhân) hoặc đại diện hợp pháp (đối với tổ chức) với các dữ liệu sinh trắc học được thu thập/ lưu trong bộ phận lưu trữ theo quy định.

Tương tự nêu trên, việc sử dụng thẻ để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu phải đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với dữ liệu sinh trắc học được thu thập/ lưu trong bộ phận lưu trữ theo quy định.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Đối với các TCPHT là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, quy định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2025.

3. Tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ

So với quy định cũ, Thông tư 18 bổ sung thêm các biện pháp đối với tổ chức phát hành thẻ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ như sau:

  • Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ;
  • Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện thẻ nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật;
  • Xác định và xử lý các loại rủi ro trong phát hành và sử dụng thẻ;
  • Kiểm tra thông tin chủ thẻ với hệ thống hỗ trợ quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước;
  • Cảnh báo và hướng dẫn khách hàng về phương thức tội phạm và bảo mật thông tin;
  • Xác minh lại thông tin khách hàng trong các trường hợp nghi ngờ;
  • Kiểm tra và lưu trữ giấy tờ, chứng từ giao dịch thẻ ra nước ngoài;
  • Theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của khách hàng.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng bổ sung thêm trách nhiệm của TCTTT trong việc hợp tác với TCTGTT cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán qua thẻ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

4. Giảm thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp

So với quy định cũ, Thông tư 18 đã giảm thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại giảm từ tối đa 45 ngày làm việc xuống còn tối đa 30 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Đồng thời, Thông tư 18 cũng bổ sung quy định TCPHT phải có giải pháp để chủ thẻ có thể tra cứu trực tuyến thông tin, tiến độ, kết quả xử lý tra soát, khiếu nại từ ngày 01/07/2025. Cùng với đó, Thông tư mới còn yêu cầu cụ thể hơn về mẫu đề nghị tra soát, khiếu nại có thể tồn tại dưới dạng văn bản giấy và điện tử.

Ngoài ra, Thông tư mới còn tăng cường thêm trách nhiệm của TCPHT trong việc xử lý nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của khách hàng, theo đó, yêu cầu TCPHT phải thực hiện ngay các biện pháp khóa thẻ khi chủ thẻ nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm đối với toàn bộ tổn thất tài chính của khách hàng phát sinh sau thời điểm khách hàng đề nghị khóa thẻ.

Ngoại trừ quy định về hạn mức rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025, Thông tư 18 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024, thay thế Thông tư 19/2016/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung.

Lưu ý:

  • Đối với mẫu thẻ vật lý đã in trước ngày 01/7/2024, TCPHT được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024;
  • Đối với khách hàng có thẻ được phát hành trước ngày 01/07/2024, TCPHT phối hợp với khách hàng thực hiện cập nhật, bổ sung tài liệu, thông tin, dữ liệu của khách hàng theo quy định, hoàn thành trước ngày 01/01/2026.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi