Ngày 17/05/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập (“Thông tư 07”) thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT (“Thông tư 15”) để hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Đấu thầu 2023 trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Về cơ bản, Thông tư 07 kế thừa các quy định của Thông tư 15 về những vấn đề chung như quy trình đấu thầu, phân chia gói thầu và nhóm thuốc…; đồng thời quy định chi tiết các vấn đề mua sắm tập trung thuốc (bao gồm thuốc hóa dược, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền và các loại khí được cấp số đăng ký lưu hành là thuốc).
1. Trao quyền chủ động hơn cho cơ sở y tế công lập
a. Phân định rõ ràng danh mục thuốc thuộc thẩm quyền đấu thầu của từng cấp:
Thông tư 15 quy định chưa thực sự rõ ràng, nên dẫn đến việc bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể phải thực hiện theo quy trình “nhiều cấp” từ cấp cơ sở (cơ sở y tế) lên đến cấp trung gian (Trung tâm mua sắm thuốc tập trung), và các cấp cao hơn.
Thông tư 07 khắc phục vấn đề trên theo hướng phân chia rõ ràng, không chồng chéo các cấp thẩm quyền đấu thầu, danh mục thuốc thuộc thẩm quyền của từng cấp, cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm toàn bộ công việc trong phạm vi đấu thầu.
Việc quy định theo hướng này giúp các cơ sở y tế công lập có thể tự xác định được các trường hợp thuộc thẩm quyền và chủ động hơn trong tổ chức đấu thầu (không cần chờ sự phê duyệt đối với thuốc không thuộc danh mục đấu thầu tập trung); quy định này cũng đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ sở y tế khi tổ chức đấu thầu (tránh được tình trạng “đẩy” trách nhiệm hoặc không dám thực hiện việc mua sắm thuốc).
b. Cho phép các cơ sở y tế công lập được chủ động gộp gói thầu để thực hiện mua sắm tập trung.
Trước đây, Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định việc mua sắm tập trung chỉ được thực hiện bởi các đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 và Thông tư 07 quy định cơ chế cho phép đối với thuốc không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm cùng loại thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có thỏa thuận bằng văn bản về việc thống nhất để một đơn vị làm đầu mối thực hiện việc mua sắm; trường hợp các đơn vị không có thỏa thuận và không thể tự tổ chức lựa chọn nhà thầu thì các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ định đơn vị để thực hiện việc mua sắm.
c. Bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của Đơn vị mua sắm tập trung khi có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thuốc
Thông tư 07 yêu cầu Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ sở y tế công lập việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp có thể ảnh hưởng không tốt đến nguồn cung cấp thuốc như:
- Đã thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến thời điểm thỏa thuận khung đã ký trước đó còn hiệu lực tối thiểu 03 tháng vẫn chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Đã thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng không có nhà thầu tham dự thầu hoặc tất cả nhà thầu tham dự thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật…
- Cơ sở y tế công lập đã sử dụng hết số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung hoặc phát sinh nhu cầu sử dụng và vượt quá khả năng điều tiết…
2. Nhiều quy định mới điều chỉnh quy trình theo hướng vừa chặt chẽ, vừa tạo sự linh hoạt để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiến độ công tác mua sắm thuốc
Thông tư 07 bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tiến độ công tác mua sắm thuốc như sau:
- Cho phép việc mua sắm tập trung thuốc có thể được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Đây là quy định mới vì trước đâyThông tư 15 chỉ cho phép áp dụng thức đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong trường hợp cấp bách, để kịp thời, nhanh chóng giải quyết các sự cố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh…
- Đối với trường hợp đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm không gửi các tài liệu hoặc gửi nhưng không đủ tài liệu theo đề nghị, Đơn vị mua sắm tập trung được căn cứ vào số lượng thuốc đã sử dụng thực tế của kỳ liền trước hoặc của 12 tháng trước liền kề để xác định và tổng hợp nhu cầu mua sắm của đơn vị đó.
- Phải lấy ý kiến và phải thống nhất ý kiến với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (ở cấp trung ương và cấp tỉnh) trước khi xác định nhu cầu mua sắm để lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp Bảo hiểm xã hội không thống nhất, Đơn vị mua sắm tập trung trình Bộ Y tế (đối với cấp trung ương) hoặc cấp thẩm quyền tại địa phương (đối với cấp tỉnh) để quyết định. Để nâng cao trách nhiệm của các bên, tránh tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, Thông tư 07 giới hạn thời hạn cho ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là không quá 10 ngày. Nếu quá thời hạn mà không có ý kiến thì được xác định là đã đồng ý với đề xuất của Đơn vị mua sắm tập trung.
Thông tư 07 có hiệu lực kể từ ngày 17/05/2024.
Bình luận: