DOANH NGHIỆP VAY NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC TẠM SỬ DỤNG PHẦN VỐN NHÀN RỖI TỪ KHOẢN VAY ĐỂ GỬI TIỀN VỚI KỲ HẠN KHÔNG QUÁ 01 THÁNG

DOANH NGHIỆP VAY NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC TẠM SỬ DỤNG PHẦN VỐN NHÀN RỖI TỪ KHOẢN VAY ĐỂ GỬI TIỀN VỚI KỲ HẠN KHÔNG QUÁ 01 THÁNG

2023-07-21 21:01:56 1251

Ngày 30/06/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN (“Thông tư 08”) thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 (“Thông tư 14”) quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Theo ATA Legal Services đánh giá, Thông tư 08 bao gồm nhiều quy định quan trọng, tác động trực tiếp đến việc vay của các doanh nghiệp/tổ chức tín dụng tại Việt Nam và các điều kiện vay nước ngoài tại Thông tư 08 được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Thông tư 14, cụ thể như sau:

1. Phát hành trái phiếu quốc tế được coi là một trường hợp vay nước ngoài

Thông tư 14 trước đây không điều chỉnh đối với việc vay theo hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, Thông tư 08 quy định rõ: Bên đi vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài phải đáp ứng điều kiện vay tại Thông tư này đồng thời với việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cho phép doanh nghiệp được tạm sử dụng phần vốn nhàn rỗi từ khoản vay để gửi tiền

Thông tư 08 cho phép các doanh nghiệp đã rút vốn một phần hoặc toàn bộ khoản vay nhưng “tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay đã được xét duyệt” có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 01 tháng.

3. Hướng dẫn chi tiết việc lập và triển khai phương án vay vốn

Tiêu chí

Thông tư 14

Thông tư 08

Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài và phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài

Không quy định cụ thể về các nội dung cần có, trình tự, điều kiện thông qua.

Quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung cần thiết và điều kiện, trình tự thông qua của Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài và phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài.

Hình thức Thỏa thuận vay nước ngoài

Không quy định về nguyên tắc, hình thức dữ liệu điện tử của Thỏa thuận vay nước ngoài.

Quy định Thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết trên cơ sở nguyên tắc có hoàn trả gốc và lãi; đồng thời Thỏa thuận vay nước ngoài được phép lập dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử.

Thời điểm ký kết Thoả thuận vay

Thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết trước ngày rút vốn.

Thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết trước hoặc vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài.

Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận vay nước ngoài vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Khoản vay ngắn hạn nước ngoài;

+ Khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.

Đồng tiền giải ngân

Chỉ sử dụng đồng Việt Nam trong một số trường hợp.

Bổ sung trường hợp được sử dụng đồng Việt Nam: Khi Bên vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam.

4. Điều kiện riêng đối với Bên vay là Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Tiêu chí

Thông tư 14

Thông tư 08

Mục đích vay

Giới hạn mục đích vay với vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

 

Ngoài bổ sung vốn tín dụng, còn có mục đích cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Theo đó, các khoản vay có thể đáp ứng 2 mục đích:

+ Bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động cấp tín dụng theo tăng trưởng tín dụng của bên vay;

+ Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên vay.

Thời hạn tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn tối thiểu

Chỉ yêu cầu bên vay phải đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định.

Yêu cầu bên vay phải đảm bảo các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong 3 tháng gần nhất trước ngày ký thoả thuận vay nước ngoài/ trước  nộp hồ sơ đăng ký khoản phát hành (đối với trái phiếu).

Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài

Không có quy định.

Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài (là tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ):

+ 30% đối với ngân hàng thương mại;

+ 150% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác.

5. Điều kiện riêng đối với Bên vay là doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Tiêu chí

Thông tư 14

Thông tư 08

Mục đích vay ngắn hạn

- Không vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn;

- Vay trung, dài hạn: phục vụ dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc phục vụ phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Mục đích vay ngắn hạn nước ngoài:

+ Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay;

+ Phục vụ hoạt động nghiệp vụ của bên đi vay có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn khoản vay nước ngoài.

- Mục đích vay trung, dài hạn nước ngoài:

+ Thực hiện dự án đầu tư;

+ Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác;

+ Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài.

Giới hạn vay nước ngoài

Không có quy định

+ Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư: số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên vay .... tối đa không vượt quá giới hạn vay vốn của dự án đầu tư.

+ Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên vay: số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên vay... không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên vay: số tiền vay nước ngoài ... tối đa không vượt quá tổng giá trị dư nợ gốc, số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu.

Đối với các thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết trước ngày 15/08/2023 và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, bên vay được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký. Việc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận nói trên chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 15/08/2023. Riêng quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài của Bên vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi