MẠN ĐÀM VỀ MÔ HÌNH M&A HI HỮU - CHUYỂN NHƯỢNG TOÀN BỘ CỔ PHẦN NHƯNG KHÔNG KÈM THEO NHÂN SỰ VÀ KHÁCH HÀNG TRONG GIAO DỊCH BÁN CẢNG NAM HẢI ĐÌNH VŨ CỦA GEMADEPT

MẠN ĐÀM VỀ MÔ HÌNH M&A HI HỮU - CHUYỂN NHƯỢNG TOÀN BỘ CỔ PHẦN NHƯNG KHÔNG KÈM THEO NHÂN SỰ VÀ KHÁCH HÀNG TRONG GIAO DỊCH BÁN CẢNG NAM HẢI ĐÌNH VŨ CỦA GEMADEPT

2023-06-19 19:34:58 1166

Cảng Nam Hải Đình Vũ trực thuộc phường Đông Hải 2, Quận Hải An, Tp. Hải Phòng. Cảng thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ (Nam Hải Đình Vũ) – một công ty con do Công ty Cổ phần Gemadept (Gemadept) nắm giữ 84,66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết[1].

Vừa qua, giao dịch bán Cảng Nam Hải Đình Vũ của Gemadept nhận được sự chú ý rất nhiều của giới truyền thông. Theo Gemadept, đây là một thương vụ có lợi cho Công ty không chỉ bởi việc chuyển nhượng quyền khai thác Cảng cho bên thứ ba sẽ tránh được nguy cơ “thừa công suất”, lãng phí cho Công ty mà trên thực tế đây thực chất là một giao dịch bán tài sản và cơ sở hạ tầng, theo đó, toàn bộ nhân lực và khách hàng của Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ được Gemadept giữ lại và chuyển xuống Cảng Nam Đình Vũ (trực thuộc Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ) – công ty con do Gemadept nắm giữ 60% tổng vốn điều lệ). Thông tin này được Ban Lãnh đạo Gemadept chính thức làm rõ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua[2].

Dựa trên các thông tin làm rõ của Gemadept, với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều giao dịch M&A trên thị trường, ATA Legal Services cho rằng giao dịch chuyển nhượng cổ phần nhưng không kèm theo nhân sự và khách hàng này của Gemadept tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ là một trong những giao dịch khá hi hữu trên thị trường và có nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, cần giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích không chỉ cho các bên tham gia giao dịch mà cho cả những bên là người lao động, là đối tác, khách hàng của Nam Hải Đình Vũ.

1. Thông lệ các mô hình giao dịch M&A trên thị trường

Mua bán và sáp nhập, được biết đến rộng rãi tại Việt Nam với tên gọi M&A – viết tắt của cụm từ “Mergers and Acquisitions”. M&A là một khái niệm rất rộng, bao quát hầu hết mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, tài chính, kế toán. Pháp luật Việt Nam không có định nghĩa, giải thích hoặc hướng dẫn chính thức, thống nhất về M&A; tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn của ATA Legal Services, thông thường, một giao dịch M&A được thực hiện theo một trong các mô hình như sau:

1.1. Thứ nhất: Mua một phần hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp tại doanh nghiệp và nhận lại tương ứng toàn bộ quyền lợi cũng như nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, điều hành của doanh nghiệp tương ứng với phần cổ phần/vốn góp mua lại

Tại Việt Nam, cấu trúc này phổ biến và được nhiều doanh nghiệp ưu tiên thực hiện. Việc chuyển nhượng/chuyển giao cổ phần/phần vốn góp trong cấu trúc này được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc sàn giao dịch chứng khoán; đi kèm với việc chuyển giao cổ phần/phần vốn góp, các quyền về điều hành doanh nghiệp, quyền quản trị đối với các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, quyền quản trị con người, quản trị tài sản tại... tại doanh nghiệp được mua cũng sẽ được chuyển giao theo cổ phần. Mức độ quản trị, quyền hạn của bên nhận chuyển nhượng xác định tương ứng với số cổ phần/phần vốn góp được chuyển nhượng/chuyển giao.

Hình thức này được ưu tiên sử dụng vì về nguyên tắc sẽ hạn chế được tối đa sự xáo trộn về pháp lý về mô hình, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, đồng thời, ít phải thực hiện các thủ tục thay đổi, ghi nhận sự thay đổi tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không ảnh hưởng quá nhiều tới đội ngũ người lao động tại doanh nghiệp được mua/bán. Thường thì bên mua lại sẽ thay thế cho bên bán để trực tiếp hoặc cử đại diện của mình tham gia vào quá trình quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa lại hiện trạng và kết quả sẵn có tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì các giấy phép, các hợp đồng, các thoả thuận đã giao kết với bên thứ ba, bao gồm cả các hợp đồng lao động với người lao động trước đó.

1.2. Thứ hai: Mua tài sản của doanh nghiệp mục tiêu

Trong cấu trúc này, doanh nghiệp mục tiêu sẽ chuyển nhượng các tài sản của mình cho bên mua. Các loại tài sản phổ biến được giao dịch gồm dự án đầu tư, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà xưởng, máy móc/trang thiết bị sản xuất, quyền sở hữu trí tuệ (như nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích...). Theo cấu trúc này, việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản được khoanh vùng trong phạm vi tài sản chuyển giao, không bao gồm và không đi kèm với việc chuyển giao quyền về điều hành doanh nghiệp, quyền quản trị đối với các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, quyền quản trị con người, quản trị tài sản... tại doanh nghiệp mục tiêu (hiểu theo cách khác, bên nhận chuyển nhượng chỉ được nhận quyền sở hữu đối với tài sản, và không được nhận các quyền khác của doanh nghiệp).

Với mô hình này, các bên trong giao dịch M&A sẽ phải làm thủ tục để ghi nhận việc “sang tên” tài sản. Trong một số trường hợp như chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng giấy phép, v.v., các thủ tục này sẽ khá phức tạp và bên nhận chuyển nhượng tài sản có thể sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định pháp luật để đạt được quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với tài sản đó. 

1.3. Thứ ba: Thực hiện một trong các hình thức tái cơ cấu (tổ chức lại) doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp

Nội dung, cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp được quy định tại Điều 198 đến 201 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, với khung pháp lý còn khá chung chung, đồng thời, do tính phức tạp của các thủ tục cũng như tính phức tạp từ hệ quả của thủ tục do việc sẽ mất đi hoặc hình thành thêm doanh nghiệp, cùng với đó là rất nhiều các thủ tục, hồ sơ và công việc phát sinh, nên trên thực tế, nhà đầu tư ít lựa chọn mô hình này.

Xét về tổng thể, hình thức tái cơ cấu theo Luật Doanh nghiệp là sự kết hợp nâng cao của cả 2 mô hình nêu trên. Theo đó, khi tiến hành các  thủ tục sẽ diễn ra song song 2 thủ tục: (i) thủ tục “sang tên” cổ phần/ phần vốn góp, cổ đông/ thành viên góp vốn (cổ phần/ phần vốn góp của công ty được sáp nhập/ được hợp nhất/ bị chia/ tách sẽ được thay thế bằng cổ phần/ phần vốn góp của công ty nhận sáp nhập/ công ty hợp nhất/ các công ty hình thành sau khi chia/ tách; đồng thời, cổ đông/ thành viên góp vốn của công ty được sáp nhập/ được hợp nhất/ được chia/ tách sẽ trở thành cổ đông/ thành viên góp vốn của công ty nhận sáp nhập/ công ty hợp nhất/ các công ty hình thành sau khi chia/ tách) và (ii) thủ tục “sang tên” đối với tài sản (tài sản của công ty được sáp nhập/ được hợp nhất/ được chia/ tách sẽ được “sang tên” cho công ty nhận sáp nhập/ công ty hợp nhất/ các công ty hình thành sau khi chia/ tách). Để hoàn thành một giao dịch tái cơ cấu doanh nghiệp theo một trong các hình thức ở trên, các doanh nghiệp và các bên tham gia giao dịch sẽ cần phải triển khai rất nhiều thủ tục và công việc. Sau khi hoàn thành giao dịch thì công ty được sáp nhập/ được hợp nhất/ bị chia/ tách sẽ mất đi, toàn bộ quyền, nghĩa vụ đối với tài sản, hợp đồng, đối tác, người lao động, v.v. của  công ty đó sẽ được kế thừa lại bởi công ty nhận sáp nhập/ công ty hợp nhất/ các công ty hình thành sau khi chia/ tách. 

2. Giao dịch M&A Nam Hải Đình Vũ của Gemadept

Như đã nói ở trên, giao dịch chuyển nhượng cổ phần không kèm theo nhân sự và khách hàng của Gemadept tại Nam Hải Đình Vũ là một trường hợp hi hữu, ít gặp trên thị trường. Theo Ban lãnh đạo của Gemadept, toàn bộ nhân sự và khách hàng của Nam Hải Đình Vũ sẽ được chuyển sang cho Cảng Nam Đình Vũ – được coi là giai đoạn 2 của Cảng Nam Hải Đình Vũ để đảm bảo hoạt động của Cảng Nam Đình Vũ có thể sẵn sàng triển khai mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Gemadept đánh giá giao dịch đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia.

Vậy giao dịch này có thực sự có lợi cho Gemadept, Nam Đình Vũ không và để thực hiện được thì Gemadept, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ sẽ cần phải lưu ý những gì, cần phải tiến hành các công việc gì để có thể đảm bảo được quyền lợi của các bên trong giao dịch cũng như các bên có liên quan? ATA Legal Services sẽ mạn đàm thêm dưới đây:

Thứ nhất: Giao dịch không theo thông lệ nhưng có phù hợp quy định pháp luật hay không?

Ở đây, cần tách 2 chủ thể rõ ràng trong giao dịch để hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể: 1- Chủ thể Gemadept với tư cách là cổ đông/ người sở hữu cổ phần của Nam Hải Đình Vũ; 2- Chủ thể Nam Hải Đình Vũ – doanh nghiệp là đối tượng của giao dịch M&A.

Đối với chủ thể Gemadept, với tư cách cổ đông, Luật Doanh nghiệp cho phép Gemadept có các quyền và nghĩa vụ, trong đó có Quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Như vậy, khi Gemadept đã góp vốn đầy đủ theo đúng luật và có toàn quyền sở hữu cổ phần tại Nam Hải Đình Vũ, Gemadept hoàn toàn có thể chuyển nhượng số cổ phần này cho bên thứ ba.

Tuy nhiên, đối với vấn đề nhân sự và khách hàng, đây là 2 nội dung thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp mà không phải là của cổ đông. Cụ thể, nhân sự sẽ ký hợp đồng lao động và khách hàng sẽ ký hợp đồng dịch vụ với Nam Hải Đình Vũ. Quyền và nghĩa vụ của người lao động, khách hàng và Nam Hải Đình Vũ sẽ được điều chỉnh bởi các hợp đồng tương ứng. Riêng đối với nhân sự (người lao động) thì các quyền và nghĩa vụ có thể được điều chỉnh thêm bởi Nội quy lao động, Thoả ước lao động tập thể và các văn bản khác của doanh nghiệp đã được ban hành và áp dụng theo đúng quy định. Với tình huống Gemadept đặt ra, Nam Hải Đình Vũ sẽ buộc phải thực hiện các thủ tục để chấm dứt hợp đồng lao động với nhân sự và chấm dứt hợp đồng dịch vụ với khách hàng. Toàn bộ quá trình này sẽ trở thành hợp pháp, phù hợp với pháp luật và với hợp đồng đã ký kết, khi nhân sự và khách hàng chịu ảnh hưởng đã đồng ý/ chấp thuận chấm dứt hợp đồng với Nam Hải Đình Vũ và chấp nhận việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của Nam Hải Đình Vũ sang Nam Đình Vũ.

Như vậy, về cơ bản, giao dịch chuyển nhượng cổ phần không kèm theo nhân sự và khách hàng của Gemadept tại Nam Hải Đình Vũ hoàn toàn có thể thực hiện được khi toàn bộ nhân sự và khách hàng chấp thuận.

Thứ hai: Cần những điều kiện gì để Gemadept “giữ lại” và “chuyển giao” nhân sự và khách hàng sang Nam Đình Vũ?

Xét quy định pháp luật lao động và pháp luật dân sự của Việt Nam, trên cơ sở các nguyên tắc thực hiện hợp đồng cơ bản, theo ATA Legal Services, để Gemadept có thể giữ lại nhân sự và khách hàng của Nam Hải Đình Vũ để chuyển giao sang cho Nam Đình Vũ, các bên tham gia giao dịch phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết sau đây:

(i) Nam Hải Đình Vũ sẽ phải đạt được thoả thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ nhân sự và chấm dứt hợp đồng dịch vụ với toàn bộ khách hàng và Nam Đình Vũ đạt được thoả thuận về việc ký hợp đồng lao động mới với toàn bộ nhân sự của Nam Hải Đình Vũ và ký hợp đồng dịch vụ mới với toàn bộ khách hàng của Nam Hải Đình Vũ. Quá trình thương thảo, đạt thoả thuận này sẽ phải thực hiện và đạt được trước khi Gemadept ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Nam Hải Đình Vũ cho bên mua cổ phần;

(ii) Nam Hải Đình Vũ phải đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm, về lao động cho nhân sự và các quyền lợi cho khách hàng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng tương ứng;

(iii) Nam Đình Vũ phải đảm bảo kế thừa, không thay đổi hoặc không làm giảm bất kỳ quyền lợi nào hay làm tăng bất kỳ nghĩa vụ nào tại hợp đồng mà nhân sự hoặc khách hàng đã giao kết trước đó với Nam Hải Đình Vũ;

(iv) Toàn bộ quá trình “chuyển giao” phải có sự tham gia và phối hợp đồng thời của cả Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ để quyền lợi của nhân sự và khách hàng của Nam Hải Đình Vũ không bị gián đoạn.

Thứ ba: Những khó khăn và những hệ quả mà các bên trong giao dịch mua bán cổ phần phải đối mặt và xử lý để giao kết hợp đồng và hoàn thành giao dịch

Vì giao dịch theo hình thức không theo thông lệ nên chắc chắn các bên đã phải xây dựng phương án và lộ trình rất chi tiết để giải quyết hết các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, nhân sự hay khách hàng đều là những đối tượng “thân bất do kỷ” của doanh nghiệp nên chắc chắn, dù đã có phương án và lộ trình, việc thực hiện chúng cũng sẽ không hề đơn giản. Về mặt nguyên tắc, nhân sự và khách hàng của Nam Hải Đình Vũ hoàn toàn có quyền từ chối đề nghị chấm dứt hợp đồng hiện tại và chuyển giao sang Nam Đình Vũ. Việc này sẽ buộc Nam Hải Đình Vũ vẫn phải tiếp tục tuân thủ, thực hiện các hợp đồng đã giao kết.

Ngay kể cả khi nhân sự và khách hàng đã đồng ý, việc chuyển giao cũng sẽ gặp những khó khăn và hệ quả, có thể thấy rõ ràng đó là:

(i) Làm thế nào để đảm bảo được quyền lợi cho nhân sự (người lao động), đặc biệt với các quyền lợi được tính theo thâm niên, theo thời gian thực hiện hợp đồng lao động?

(ii) Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đặc biệt là với khách hàng vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng dịch vụ của Nam Hải Đình Vũ?

(iii) Phương án giải quyết quyền lợi đối với nhân sự và khách hàng đồng ý với việc chuyển giao sang Nam Đình Vũ nhưng có kèm thêm điều kiện như kéo dài thời hạn chuyển giao hay tăng thêm quyền lợi tại hợp đồng mới?

(iv) Bản thân Nam Đình Vũ là công ty thành lập sau, Cảng Nam Đình Vũ vừa mới bắt đầu khánh thành, đi vào hoạt động so với Nam Hải Đình Vũ đã có thời gian hoạt động từ trước, doanh thu và thị phần ổn định hơn, chưa nói đến những kinh nghiệm và thế mạnh của các cổ đông mới, xét về mặt tương quan lực lượng, có thể thấy rằng đang có sự nghiêng cán cân về Nam Hải Đình Vũ về thực lực. Do đó, để có thể đạt được thoả thuận với nhân sự và khách hàng về việc chuyển giao sang Nam Đình Vũ, bản thân Gemadept và Nam Đình Vũ sẽ phải “bù đắp” bằng những chính sách thuận lợi hơn, các ưu đãi cao hơn. Điều này vô hình chung lại càng tăng thêm áp lực và khó khăn cho một doanh nghiệp mới như Nam Đình Vũ.

Có thể nói, giao dịch chuyển nhượng cổ phần nhưng giữ lại nhân sự và khách hàng của Gemadept khi nhìn qua có thể cho rằng đó là một giao dịch có lợi và đơn giản. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện giao dịch này sẽ rất khó khăn và cần giải quyết rất nhiều vấn đề có liên quan và có thể phát sinh. Do đó, theo chúng tôi, những giao dịch này chỉ nên áp dụng với những trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng M&A có số lượng nhân sự và khách hàng chưa nhiều, đồng thời tương quan lực lượng giữa doanh nghiệp thuộc đối tượng M&A và doanh nghiệp tiếp nhận lại nhân sự, khách hàng không quá chênh lệch để tránh trường hợp phải “bù đắp quyền lợi”, gây thêm khó khăn cho các bên tham gia giao dịch.

Chúng tôi xin lưu ý rằng bài viết này hoàn toàn dựa trên những phân tích pháp lý và phân tích tình huống đặt trên kinh nghiệm từ thực tiễn tư vấn và triển khai nhiều giao dịch M&A của ATA Legal Services, không phải là tình huống thực tế mà Gemadept và các bên có liên quan gặp phải trong quá trình thực hiện giao dịch. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện bài viết chỉ nhằm mục đích đưa ra những quan điểm pháp lý riêng, không nhằm phủ nhận hoặc phê phán giao dịch của Gemadept hoặc các ý kiến, nhận xét của bất kỳ đơn vị, tổ chức, cá nhân nào khác liên quan đến giao dịch này.

[1] https://cafef1.mediacdn.vn/Images/Uploaded/DuLieuDownload/BCTC/0005107925523150437ctcp-gemadept31032023-222536.pdf

[2] https://www.gemadept.com.vn/gmd-bien-ban-va-nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-thuong-nien-2023-7937/index.html

Bình luận:

Từ khóa:  M&A

,  

Gemadept

,  

Nam Đình Vũ

,  

hi hữu

,