NGÂN HÀNG CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI KHÁCH HÀNG KHI ĐẠI LÝ VI PHẠM, GÂY THIỆT HẠI CHO KHÁCH HÀNG

NGÂN HÀNG CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI KHÁCH HÀNG KHI ĐẠI LÝ VI PHẠM, GÂY THIỆT HẠI CHO KHÁCH HÀNG

2024-06-28 19:19:28 300

Ngày 21/06/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán bằng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam ("Thông tư 07"). Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Thông tư 07 như sau:

1. Cá nhân không được phép làm đại lý thanh toán cho các ngân hàng

Thông tư 07 quy định chỉ các tổ chức gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức khác có tư cách bên làm đại lý thanh toán.

Ngoài ra, cũng chỉ các tổ chức tín dụng là ngân hàng (gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có tư cách bên giao đại lý thanh toán.

2. Giới hạn phạm vi hoạt động của bên làm đại lý thanh toán

Luật các tổ chức tín dụng 2017 quy định hoạt động thanh toán có thể bao gồm nhiều dịch vụ như thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác. Tuy nhiên, Thông tư 07 giới hạn phạm vi hoạt động của bên làm đại lý thanh toán chỉ được phép thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Cụ thể hơn, Thông tư 07 quy định các nghiệp vụ mà bên làm đại lý thanh toán được thực hiện gồm:

  • Nhận hồ sơ (mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng), kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ, tài khoản.
  • Tiếp nhận yêu cầu, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch về nộp/rút tiền mặt, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, v.v.

Thông tư 07 quy định bên đại lý là tổ chức khác chỉ được thực hiện giao dịch trong hạn mức tối đa 20 triệu đồng/khách hàng/ngày, trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.

Như vậy, về bản chất, bên làm đại lý thanh toán chỉ thực hiện các hoạt động mang tính hỗ trợ cho bên giao đại lý.

3. Trách nhiệm của Ngân hàng và đại lý đối với khách hàng liên quan đến hoạt động của đại lý thanh toán

  • Ngân hàng phải chịu trách nhiệm với khách hàng trong trường hợp bên đại lý vi phạm hợp đồng đại lý thanh toán, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Ngược lại, đại lý phải liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng trong trường hợp do lỗi của bên đại lý; có trách nhiệm bồi hoàn cho bên giao đại lý các khoản tiền đền bù mà bên giao đại lý đã chi trả, bồi thường cho khách hàng thay cho bên đại lý đối với các tổn thất, thiệt hại của khách hàng phát sinh từ việc bên đại lý vi phạm hợp đồng đại lý thanh toán và các tổn thất, thiệt hại của khách hàng phát sinh do lỗi của bên đại lý làm lộ thông tin khách hàng, xử lý sai sót, nhầm lẫn trong quá trình tác nghiệp.
  • Ngân hàng và đại lý không được thu thêm các loại phí ngoài biểu phí do ngân hàng quy định và công bố.
  • Ngân hàng và đại lý phải có cam kết bảo mật thông tin khách hàng.
  • Ngân hàng phải có cơ chế, biện pháp để bảo vệ khách hàng, trong đó, phải duy trì việc tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại của khách hàng tại các điểm đại lý thanh toán; đồng thời thiết lập, duy trì đường dây nóng liên tục 24/7 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin, khiếu nại của khách hàng.

Thông tư 07 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024./.

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi